Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Thương hiệu Việt ở xứ triệu voi - Kỳ cuối: “Little Việt Nam”


Thuong hieu Viet o xu trieu voi Ky cuoi Little Viet Nam
Không cần phải biết tiếng Lào, đến nhiều tỉnh, thành phố ở xứ triệu voi, người VN mới sang vẫn không sợ bị lạc đường bởi đâu đâu cũng có thể gặp đồng hương của mình. Người Việt có mặt khắp nơi trên xứ Lào và hình thành nên những “phố Đà Nẵng”, “làng Huế”... Cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh.
Ở đâu có chợ, ở đó có người Việt
Hôm vừa đặt chân đến thủ đô Vientiane, chúng tôi còn đang lóng ngóng tại bến xe vì không biết tiếng Lào thì đã thấy ngay trước mặt một tài xế xe tuk tuk mời bằng tiếng Việt: “Nhìn là biết người bên mình mới sang, đi đâu tui chở?”. Nguyễn Văn Định - dân Quảng Nam qua Lào được hơn ba năm - khá lanh lẹ, rành đường và hiếu khách, anh cho biết tính ra bình quân anh kiếm được gần 5 triệu đồng mỗi tháng.
Ở Lào, ở đâu có chợ là ở đó có người Việt. Tại những chợ đầu mối, chợ lớn nhất ở các thành phố của Lào như chợ Sáng, chợ Cây số 13 ở Vientiane, chợ Pakse ở Champasak, chợ Savannakhet..., phần lớn các gian hàng lớn đều do người Việt làm chủ. Ngay như chợ Dao Heuang, ngôi chợ đồ sộ và qui mô nhất vừa mới được xây dựng nằm ngay vị trí trung tâm thành phố Pakse, cũng do một Việt kiều bỏ vốn đầu tư là bà Lê Thị Lượng và tiểu thương ở đây chủ yếu là người Việt.
Đặc biệt như ngôi chợ Sáng, tên Lào là Talạt Sao, nằm tại trung tâm thủ đô Vientiane có đến hơn 80% tiểu thương là người Việt. Vào chợ nói tiếng Việt thoải mái như đi giữa chợ Bến Thành. Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ gian hàng đồ nhựa gia dụng ở chợ Sáng, nói rằng các dãy sạp ở đây chia ra thành các khu: phía tây là của dân gốc Quảng Nam - Đà Nẵng, phía đông là của dân Thừa Thiên - Huế, còn dân gốc các tỉnh phía bắc tập trung ở các sạp gần phía sau chợ.
Thuong hieu Viet o xu trieu voi Ky cuoi Little Viet Nam
Chợ Dao Heuang, chợ lớn nhất các tỉnh Nam Lào, do người Việt xây dựng, làm chủ - Ảnh: K.EM
Các con đường lớn ở Vientiane như FaNgum, Samsenthai, Phomvihane... tập trung các khu biệt thự, những căn nhà bề thế và các cửa hiệu lớn, phần lớn đều của những người Việt định cư ở Lào lâu đời. Những khách sạn nổi tiếng ở Vientiane như Chaleunxay, Khamkhoun, Saysomboun... đều do người Việt làm chủ. Ông Lê Văn Thành, người Thừa Thiên - Huế, sang Lào kinh doanh ngành khách sạn, cho hay gần hai phần ba hệ thống khách sạn, nhà hàng ở Lào hiện nay có chủ là người Việt hoặc có người Việt hùn hạp, bỏ vốn. Ông Thành đang bỏ vốn đầu tư đến năm khách sạn tại thủ đô Vientiane và Pakse.
Bà Trần Thị Huệ, chủ tịch Hội Người Việt Nam tại thủ đô Vientiane, thừa nhận con số thống kê gần 6.000-7.000 người Việt cư ngụ tại Vientiane chỉ là đối với những người đã định cư lâu năm ở đây. Còn trên thực tế, con số người Việt qua làm ăn trong thời gian gần đây rất đông, chưa thể thống kê được. Ở mỗi tỉnh, thành phố đều có những khu người Việt theo kiểu “Little Việt Nam”, bà con sống quây quần bên nhau. Phần lớn người Việt ở xứ triệu voi đều tần tảo làm ăn, có uy tín nên được các cộng đồng khác quí mến, nể trọng.
Người đi trước giúp người đi sau
Chúng tôi đến thăm xóm Việt kiều Nhà Đèn tại Pakse. Các gia đình người Việt ở đây phần lớn đều đã cư ngụ trên đất Lào 30 - 40 năm, người ít nhất cũng trên dưới 20 năm. Những căn nhà vẫn mang phong cách Việt, người lớn lẫn trẻ em ở đây đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Ông Nguyễn Văn Minh (đã sống ở đây gần 40 năm) cho biết Pakse có bảy xóm người Việt với gần 1.000 hộ sống tập trung thành từng cụm. Đông nhất là đồng bào từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Nam Định, Ninh Bình... Do vậy, mọi sinh hoạt, phong tục và giao tiếp bằng tiếng Việt vẫn được giữ nguyên như lúc họ còn ở trong nước.
Thuong hieu Viet o xu trieu voi Ky cuoi Little Viet Nam
Một góc VN ở trung tâm thủ đô Vientiane - Ảnh: Vũ Bình
Trên con lộ 13, tuyến đường trung tâm của Pakse, mới hình thành một “khu phố Việt” từ hơn một năm nay. Gọi là khu phố vì tuyến đường này có hàng chục quán cà phê khá nổi tiếng do người Việt mới sang mở và khách đến hằng ngày đều là giới thương nhân, công nhân người Việt. Cứ từ 6 giờ tối, công nhân xây dựng từ các công trường trở về nhà, cơm nước xong lại diện những bộ cánh tươm tất nhất ra dạo “phố Việt” và uống cà phê, nghe nhạc... Nguyễn Đức Hùng (người Hà Tĩnh, qua Lào làm thợ xây dựng được hai năm) cho biết tối ra đây chủ yếu để giao lưu với đồng hương, nghe tin tức quê nhà... cho đỡ nỗi nhớ trong lòng người xa xứ.
Ông Nguyễn Văn Minh ở Pakse thuộc thế hệ người Việt thứ hai định cư trên đất Lào. Hiện nay, ông Minh và hai người con trai đang làm chủ hai tiệm phở và một cửa hàng vật liệu xây dựng ở tỉnh Champasak. Theo ông, “nếu biết tính toán, chịu thương chịu khó, làm ăn căn cơ, dành dụm thì hầu hết người Việt ở xứ Lào đều có cuộc sống ổn định hoặc khá giả”. Điển hình như ở xóm Nhà Đèn của ông, hầu như tất cả các gia đình người Việt đều có mức sống trên trung bình và khá. Lúc trẻ, ông Minh chạy phụ bàn cho một quán ăn của người Hoa, nhờ cắc củm dành dụm gần chục năm ông có ít vốn mua được một căn nhà, mở được một tiệm phở rồi phát triển dần dần cơ ngơi như hiện nay.
Theo ông Đoàn Hữu Đấu - chủ tịch Hội Người VN tại Champasak, tỉnh có đông người VN sinh sống nhất tại Lào - số hộ khá giàu chiếm hơn 60%, số hộ nghèo chỉ còn khoảng hơn chục hộ, chủ yếu mới thay đổi chỗ ở và làm nông nghiệp. Những năm gần đây, lượng người Việt từ trong nước sang Lào làm ăn ngày một nhiều nên có nhiều “Little Việt Nam” ra đời ở Champasak. Ở các xóm Việt kiều Tân Phước, Thà Hín, Tân An... hình thành hẳn những xóm trọ theo từng dãy của dân Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị...
Bà Trần Thị Hà (người Quảng Nam, cả gia đình qua Pakse mưu sinh được gần bốn năm) kể bà bán “cơm bụi” cho công nhân ở các công trình xây dựng, còn chồng bà và cậu con trai làm thợ xây dựng, con gái lớn làm thợ uốn tóc cho một mỹ viện của người Việt. Gia đình bà thuê một căn phòng trọ của kiều bào ở Xóm Đá với giá 300.000 kip mỗi tháng, cả nhà làm lụng dư được hơn 2 triệu đồng VN mỗi tháng, gửi về nước lo cho người con trai thứ hai đang học thạc sĩ và cô con gái út vừa học năm nhất ĐH Đà Nẵng. Bà nói cái quí của bà con mình ở Lào là có truyền thống người sang trước giúp đỡ, chăm lo cho những người sang sau, nhờ đó cộng đồng người Việt ngày một nhiều, trở thành một cộng đồng lớn mạnh và no ấm trên đất khách.
VŨ BÌNH - KIM EM
_____________________
Mở miệng nói dối đang trở thành căn bệnh trầm kha của nhiều quan chức Trung Quốc hiện nay, đe dọa lòng tin của xã hội. Thống kê cho thấy từ năm 2001-2003, trong số mấy chục ngàn vụ án tiêu cực bị đưa ra xét xử ở Trung Quốc, có đến 60% vụ là do khai man, làm giả số liệu thống kê, báo cáo giả. Đề tài quan chức nói dối đã được Nhân Dân Nhật Báo đưa lên diễn đàn, được đông đảo công chúng tham gia.
Mời bạn đón đọc hồ sơ khởi đăng số tới:
Trung Quốc: Quan chức nói dối
Việt Báo (Theo_TuoiTre) http://vietbao.vn/Phong-su/Thuong-hieu-Viet-o-xu-trieu-voi-Ky-cuoi-Little-Viet-Nam/40200735/263/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét