VIT - Tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc là chiếc tàu được làm từ tàu sân bay “Variag” chưa hoàn thành từ thời Liên xô trước đây, được Trung Quốc mua về từ Ukraine.


Tàu sân bay Shi-Lang của Trung Quốc là chiếc tàu được làm từ tàu sân bay “Variag” chưa hoàn thành từ thời Liên xô trước đây, được Trung Quốc mua về từ Ukraine. Các chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá tàu sân bay Shi-Lang của Trung Quốc có 4 điểm yếu đáng kể sau đây.

1- Tàu sân bay Shi-Lang của Trung Quốc hoạt động ở vùng biển Thái Bình Dương, nơi tập trung trên 10 tàu sân bay các loại của Mỹ và đồng minh.

2- Máy bay trên tàu Shi-Lang (là bản sao máy bay Su-33 của Nga) về tính năng kỹ - chiến thuật còn thua kém nhiều so với các loại máy bay F/A-18E/F của Mỹ. Tàu sân bay Shi-Lang không có các loại máy bay trinh sát (AWACS) và tác chiến điện tử như trên tàu sân bay của Mỹ.

3- Lực lượng hộ tống tàu sân bay Shi Lang không có các loại tàu hiện đại (gồm các tàu trên mặt biển và tàu ngầm) để có thể bảo vệ tàu một cách hiệu quả.

4- Trung Quốc vẫn chưa làm được động cơ có đủ độ tin cậy cho tàu sân bay Shi-Lang, và đây là “điểm yếu lớn nhất” của chiếc tàu sân bay đầu tiên này của Trung Quốc.

Đô đốc Robert Willard (Robert Willard) - Tư lệnh vùng Thái Bình Dương - tại phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ vào tháng Tư năm nay nói rằng “ông không hề lo lắng về tàu sân bay Shi-Lang của Trung Quốc”.

Tàu sân bay Shi-Lang chỉ có thể sử dụng để huấn luyện và đào tạo lực lượng cho loại tàu này, và công việc này còn phải kéo dài trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, trước khi Trung Quốc có được các tàu sân bay thực sự hiệu quả trong chiến đấu. Còn nếu tàu Shi-Lang được sử dụng trong chiến đấu, thì khả năng tác chiến của tàu sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, tàu Shi-Lang có thể sử dụng để tuần tra ở các vùng biển tranh chấp, và mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của Hải quân Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thông của Mỹ đã đưa tin rằng, trong tương lai ở Thái Bình Dương sẽ thành lập đội tàu sân bay “đa quốc gia” giữa Mỹ và các nước đồng minh, bao gồm 22 tàu sân bay các loại của Hải quân Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Tàu sân bay hạt nhân của Mỹ có tới 70 máy bay và trực thăng các loại, bao gồm máy bay tiêm kích F/A-18, máy bay tác chiến điện tử EA-6B hoặc E/A-18G, máy bay AWACS E-2, máy bay vận tải C-2 và máy bay trực thăng H-60. Tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc chưa có gì đáng để có thể so sánh với tàu sân bay của Mỹ.

Có tin đồn rằng Trung Quốc đang chế tạo loại máy bay AWACS tương đương với máy bay E-2 của Mỹ, nhưng tàu Shi-Lang không có thiết bị để cho loại máy bay này cất cánh. Trung Quốc cũng đang chế tạo loại máy bay trực thăng AWACS Z-8, nhưng tính năng của trực thăng Z-8 thì không thể nào so sánh được với tính năng của máy bay E-2. Trong thập kỷ tới, khoảng cách sẽ còn tăng lên, khi Hải quân Mỹ triển khai trang bị các loại máy bay không người lái trên tàu sân bay.

Hiện nay, trên mặt biển chỉ có hai tàu khu trục loại 052C hộ tống tàu sân bay Shi-Lang. Những tàu này có số lượng tên lửa chỉ bằng một nửa và hệ thống radar không có khả năng theo dõi hàng chục mục tiêu như các tàu của Mỹ.

Lực lượng tàu ngầm hộ tống tàu sân bay Shi-Lang còn kém hơn nhiều. Hải quân Trung Quốc có hai tàu ngầm loại 093, nhưng không có hệ thống thông tin liên lạc hiện đại dưới nước. Các hệ thống thông tin liên lạc dưới nước do Trung Quốc chế tạo vẫn chưa được hoàn chỉnh, vì vậy tàu sân bay Shi-Lang chưa thể có được sự bảo vệ hiệu quả của các tàu ngầm hộ tống.

Tri Tam
http://vitinfo.vn/MMuctin/Quansu/LA90778/default.html