Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

BÀN THÊM VỀ VĂN HOÁ GIAO THÔNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


Email In
Nói đến văn hoá giao thông, nhiều người nghĩ ngay đến văn hoá của người tham gia giao thông. Nghĩ thế là đúng nhưng dường như chưa đủ. Văn hoá giao thông trước hết phải là văn hoá của người xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông. Nhiều tai nạn giao thông thảm khốc là do hạ tầng giao thông có vấn đề, chẳng hạn tại những khúc rẽ khuất tầm nhìn lại thiếu dải phân cách… Nếu người có trách nhiệm xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông có văn hoá giao thông, luôn đau đáu và day dứt khôn nguôi về sự an toàn giao thông của người dân thì những khúc rẽ ngoặt khuất tầm nhìn lại thiếu dải phân cách và những “điểm đen” tương tự như vậy sẽ nhanh chóng được xoá bỏ, thậm chí không bao giờ tồn tại trong quy hoạch và trong thực tế. Nếu người có trách nhiệm xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông có văn hoá giao thông, luôn đau đáu và day dứt khôn nguôi về sự an toàn giao thông của người dân thì có thể cây cầu Cà Tang đã được bắc qua sông trước vụ chìm đò cướp đi mười sinh linh thơ dại. Cũng chính vì có văn hoá giao thông mà ở một số nước, người có trách nhiệm cao nhất trong xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông đã từ chức - như là biểu hiện của văn hoá và đạo đức công vụ - khi xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

*

Còn nhìn văn hoá giao thông ở nước ta hiện nay từ góc độ người tham gia giao thông, tôi nghĩ đang có vấn đề về nhân sinh quan. Dường như một quan niệm nhân sinh tạm gọi là “ưu thế mặt tiền” đang tác động nhiều mặt đến cuộc sống của người Việt đương đại, trong đó có văn hoá giao thông. Cứ quan sát cảnh người tham gia giao thông chờ tàu hoả đi qua các giao lộ đường sắt và đường bộ ở nội thành thì đủ thấy “ưu thế mặt tiền” đang tác động tiêu cực thế nào tới văn hoá giao thông: khi hai rào chắn được kéo ngang, người tham gia giao thông đường bộ đồng loạt dừng xe. Tuy nhiên, điều đáng nói là lẽ ra phải dừng xe theo làn đường của mình - hoặc bên trái hoặc bên phải - để lúc giải toả rào chắn mỗi bên sẽ nhanh chóng thẳng tiến, người ta lại dừng xe cả hai bên phải/trái nhằm chiếm “ưu thế mặt tiền” và khi hai rào chắn được giải toả thì không bên nào có thể thẳng tiến bởi phải đối đầu với “phía bên kia” ngay tại giao lộ… May là chưa bao giờ tàu hoả lại chạy… lui. Nói chung có thể nhận ra nhân sinh quan “ưu thế mặt tiền” - quyết tâm không chịu nhường ai để xông lên chiếm bằng được mọi chỗ trống trên đường - trong nhiều trường hợp kẹt xe gây tắc nghẽn giao thông ở các đô thị lớn.

*
Trong quá trình nghiền ngẫm về văn hoá giao thông, tôi rất xúc động khi đọc câu chuyện sau đây do các đồng chí cảnh vệ gần gũi với Bác Hồ kể lại trong cuốn sách Những năm tháng bên Bác - câu chuyện có nhan đề Gương mẫu tôn trọng luật lệ. Chuyện kể rằng một hôm các đồng chí cảnh vệ theo Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử ở ngay thành phố Hà Nội nghìn năm văn vật. Trên đường từ chùa về Phủ Chủ tịch, xe đang chạy bon bon bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật sáng. Đường phố thủ đô lại đang lúc đông người. Xe của Bác cũng như các xe khác đều phải dừng lại chờ. Các đồng chí cảnh vệ lo lắng nhìn nhau, bởi trong thâm tâm đồng chí nào cũng ngại nhân dân trông thấy Bác chắc sẽ ùa ra ngã tư này để được chào Bác thì lúc ấy cảnh vệ không biết làm thế nào cho ổn. Nghĩ vậy nên các đồng chí bàn nhau định cử một cảnh vệ xuống xe chạy đến bục yêu cầu công an giao thông bật đèn xanh mở đường cho xe Bác. Nhưng Bác đã hiểu ý, Người ngăn lại rồi nhỏ nhẹ bảo các đồng chí cảnh vệ: “Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình.”. Nghe vậy các đồng chí cảnh vệ vừa ân hận vừa hồi hộp chờ đèn xanh bật sáng để xe qua. Đèn đỏ ở giao lộ kia rồi sẽ được tắt và đèn xanh ở giao lộ kia rồi sẽ bật sáng, nhưng tôi nghĩ rằng lời nhắc nhở ấy của Bác vẫn luôn luôn là đèn đỏ đối với những cách nghĩ cách làm đi ngược lại lẽ sống chí công vô tư trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đồng thời đi ngược lại văn hoá giao thông. Không một ai tự cho mình cái quyền ngoại lệ và ngoại luật, vì luật lệ là những điều mà cộng đồng đã chấp nhận và người có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu tôn trọng luật lệ - đó chính là thông điệp mà Bác Hồ kính yêu muốn nhắn gửi mọi người khi Người ngăn không cho đồng chí cảnh vệ can thiệp để bật sớm đèn xanh mở đường cho xe của Người được ưu tiên chạy trước. Và đó cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để có thể sớm hình thành văn hoá giao thông cho cộng đồng người Việt đương đại.
*

Tham luận tại hội thảo này, tôi thực sự cảm thấy tâm đắc với dự án “Đưa văn hoá giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hoá nghệ thuật”, mà tâm đắc nhất là với ý tưởng đưa văn hoá giao thông vào cộng đồng qua các hình thức văn hoá nghệ thuật. Sở dĩ nói vậy là vì muốn hình thành văn hoá giao thông cho cả cộng đồng thì không có con đường nào ngắn hơn là đi thẳng vào lòng người, và nghệ thuật chính là lĩnh vực có thể lay động lòng người sâu sắc nhất. Trong cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ ba mươi chín năm 2010 do Liên minh Bưu chính Thế giới phát động với chủ đề “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao sự hiểu biết về AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng”, một học sinh Đà Nẵng là Hồ Thị Hiếu Hiền đã đoạt giải nhất. Điều gì đã giúp Hồ Thị Hiếu Hiền thành công? Theo tôi đó là do Hồ Thị Hiếu Hiền - thông qua việc chọn đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu là người để viết thư chứ không phải các nguyên thủ quốc gia đầy quyền lực chính trị - đã cảm nhận được sức mạnh lay động lòng người của nghệ thuật thứ bảy nói riêng và của nghệ thuật nói chung. Vấn đề ở đây là nghệ thuật cho ra nghệ thuật, nghĩa là vừa có ý nghĩa giáo dục và tầm cao tư tưởng lại vừa hay, thậm chí trước hết phải hay./.
Ý kiến bạn đọc (0)Add Comment

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét