Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Tham nhũng – “gánh nặng của dân”, nhưng chống tham nhũng là chống Đảng


Trong bài “Tham nhũng “vặt”: Gánh nặng của dân”, tờ báo Đại Đoàn Kết ngày 13/05/2011 công bố kết quả cuộc khảo sát về chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công) “đã chỉ ra một thực tế: tham nhũng vặt có mặt ở tất cả các ngành và đang “gặm nhấm” dần uy tín của nền hành chính công. (…) Không có địa phương nào trên tổng số 30 địa phương tham gia khảo sát là không có hiện tượng tham nhũng “vặt”. Đặc biệt “phí lót tay” có mặt ở hầu khắp các bệnh viện công. Các tỉnh có việc “lót tay” diễn ra nhiều là Nam Định (78%), Điện Biên (72%), Hưng Yên (71%)”… Xin giới thiệu với bạn đọc một bài dưới đây của tôi, viết cách đây vài năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự và là câu trả lời cho bài báo này.
Đảng ăn
Cái chuyện “ăn” của quan chức cộng sản Việt Nam trong và ngoài nước không ai không biết. Người viết miễn bàn về ẩm thực, sơn hào hải vị, sâm, nhung, rượu cao hổ cốt, nước mài từ sừng tê giác, v.v. – mà chỉ nói về kiểu ăn khác.
Ăn đủ thứ khó nhai, khó gặm với thường dân, nhưng với họ thì như thò tay vào túi lấy đồ vật. Ăn đây là ăn chặn, ăn hối lộ, thụt két, móc ruột, cướp bóc công quỹ bỏ túi riêng, không từ bất kỳ một cơ hội nào, từ bé đến lớn, chức to ăn nhiều, chức vừa vừa ăn vừa vừa, chức nhỏ ăn nhò.
Khốn nạn nhất là ăn bẩn. Đồng tiền đã biến nhiều quan chức cộng sản thành những con thú khát máu tiền, ăn tươi nuốt sống đồng loại không một tấc vũ khí trong tay.
Trong khi đồng bào miền Trung đang khốn đốn vì lũ lụt, nhà cửa bị tàn phá, màn trời mây đen sũng, chiếu đất nước mênh mông, thì Ủy ban Cứu trợ Bão lụt tỉnh Nghệ An (dĩ nhiên là của Đảng) đã từng ẵm hàng tỷ đồng tiền chi viện nhân đạo của các tổ chức chính phủ quốc tế, của nhân dân trong nước và nước ngoài chia sẻ cùng nạn nhân với tấm lòng “áo lành đùm áo rách”.
Mặc dù quan chức cộng sản nào bây giờ cũng nhà cao, cửa rộng, không phải một nhà mà nhiều nhà ở hầu hết các thành phố lớn, nhưng vẫn chưa đủ cho lòng tham vô đáy. Tình trạng chiếm đoạt đất đai của nông dân nghèo để đầu cơ, buôn bán trục lợi đã làm cho nhiều nông dân điêu đứng. Những dòng người phẫn uất, liên tiếp đổ lên thành phố để khiếu kiện không hề dứt suốt từ nhiều năm nay. Từ ngày 22/06/2007, kéo dài gần cả tháng trời, đồng bào thuộc nhiều lứa tuổi từ Tiền Giang đã kéo về ăn vật nằm vạ trước trụ sở Quốc Hội 2 trên đường Hoàng Văn Thụ, Sài Gòn, đòi đảng cộng sản trả lại công lý, chính nghĩa và tài sản bị trấn cướp.
Ăn bẩn rồi ăn tạp. Các quan chức cộng sản xơi tuốt cả vôi vữa, gạch, sắt, xi-măng… Làm đường, cầu cống, thay vì bằng bê tông cốt thép thì thế cọc tre, nguyên liệu rẻ tiền. Vụ cầu chui Quán Thánh bị sập hay quốc lộ do tổng công ty PMU 18, Bộ giao thông vận tải đảm trách xây dựng chỉ là một, hai trong muôn vàn trường hợp khác không được (hoặc bị giấu kín) đưa lên mặt báo. Vận mạng của người sử dụng coi như zero. “Sống chết mặc bay, tiền thầy nhét túi”. Có kẻ còn trâng tráo nói tỉnh như không: Hơi đâu mà lo cho thiên hạ, người Việt đẻ mắn như gà, chết bớt càng tốt. Vô nhân đạo đã đến tột cùng!
Ăn luôn cả… đồng
Hãng AFP và một số cơ quan truyền thông quốc tế trong ngày 3/07/2007 đưa tin về xì-căng-đan Tượng đài Điện Biên Phủ.
Chúng ta còn nhớ, nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/05/1954), Việt Nam đã lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử này, trong đó có việc xây dựng tượng đài mang tên “Chiến thắng Điện Biên Phủ” tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ với tổng dự toán đầu tư giai đoạn I là 47 tỉ đồng. Tượng được thiết kế bằng đồng, cao hơn 12 mét.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ “hoành tráng” và Tướng Võ Nguyên Giáp (2004)- Ảnh: vnn.vn
Tuy nhiên, ngay sau lễ khánh thành đưa vào sử dụng (ngày 7/5/2004), công trình tượng đài đã xuống cấp một cách nghiêm trọng, trong vài tháng nay nhiều đoạn chân đế tượng bị sụt lún, thân tượng bị hoen gỉ, nhiều mảnh bị vỡ ra.
Theo báo chí trong nước, đầu năm 2005, Nhà nước đã phải chi ra 4 tỉ đồng để đơn vị thi công là Công ty mỹ thuật Việt Nam “sửa chữa” khắc phục sự cố sụt lún công trình tượng đài.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ và lỗ hổng “hoành tráng” (2007) – Ảnh: laodong.com.vn
Vì sao ra nông nỗi? Không cần phải nghĩ ngợi cũng có ngay câu trả lời, vậy mà ông Phó Thủ tướng chính phủ Phạm Gia Khiêm còn làm bộ “ra tay chỉ đạo làm rõ nguyên nhân” (?).
Các chiến hữu, các đồng chí của đảng quang vinh ta là những ai trong vụ này? Đây: Lương Phượng Các, trưởng ban dự án, phó giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Điện Biên; Lê Minh Viễn, phó ban dự án; Trần Quốc Hưng, kế toán Ban dự án; Võ Thị Hồng, nguyên giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương; tiến sỹ Lê Huyên, cựu hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp; Nguyễn Đức Sứng, nguyên chủ nhiệm khoa Tạo dáng công nghiệp… Hết cả bộ sậu, nguyên một băng!
Những tên cướp ngày này đã xơi tái 30% trong 219 tấn số đồng nguyên chất dùng để xây dựng. Họ đã thay thế các nguyên liệu rẻ tiền trộn với khoảng 150 tấn còn lại để đúc tượng tôn vinh… chiến thắng thực dân Pháp hào hùng của dân tộc!
Có người ngẫu hứng liên tưởng tới vụ Trần Đức Lương, nguyên chủ tịch nước, đã đúc tặng Chùa Hương một pho tượng đồng lớn. Chẳng biết có phải khi về vườn ngài cựu chủ tịch ăn năn sám hối hay là cầu Đức Phật hộ trì để giữ của cải to như núi của mình không mà xung xăng làm việc thiện? Cũng không rõ, ngài lấy đồng ở đâu ra, nhà nước biếu tặng hay mua ở chợ đen nào? Trong một tập đoàn mafia, nếu có cái gì đó dính dáng với nhau trong mớ liên minh ma quỷ, âu cũng không là chuyện lạ.
Chống tham nhũng?
Nực cười nhất là cách xử lý các vụ tham nhũng. Do cấu kết ăn chia chặt chẽ từ hạ tầng lên thượng tầng, nên một số vụ được đưa ra công luận chỉ nhắm mục đích múa rìu, trấn an dư luận.
Các quan chức cộng sản hoặc các đại gia (được bảo kê) thụ án, sống trong tù như những ông vua con: phòng có TV, máy lạnh, đầy đủ tiện nghi, riêng biệt, trên đồi, dưới suối; vợ con, người nhà vào thăm dễ như đi chợ. Trong năm 2000, khi chưa bị lộ diện “phản động”, còn về được Việt Nam, tôi sắm vai thăm thân cùng với người quen, “lọt sổ” vào được trại giam V26 ở Hàm Tân, Đồng Nai, một “đơn vị anh hùng”. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh… nghỉ mát của các can phạm thuộc hàng “đặc biệt” này. Mọi thứ ở đây đều có khung giá sẵn, giảm một năm án thì bao nhiêu, muốn ra trại về Sài Gòn du hí vài ngày rồi quay lại thì một đêm bao nhiêu, v.v… Cho nên, không ai lạ gì màn kịch xét xử và thụ án cho có (trưng diễn là chính), bởi vì chỉ một thời gian ngắn đảng ta lại cho ra khỏi tù ngay bằng lệnh ân xá nhân một dịp nào đó!
Tôi nhớ mãi câu nói được nghe trong dịp này: “Ngu nhất là những thằng vét đĩa, húp cháo bằng muỗng hay bốc cơm bằng tay. Ăn nhỏ không bõ vào tù. Tiền đâu mà chạy! Khôn ngoan là phải xúc bằng xẻng, bằng cần cẩu, ăn cho đậm luôn. Có tiền thì trong tù cũng mua được cả tiên”. Ôi cái lý có chân!
Tất nhiên, bất đắc dĩ lắm đảng mới cho vào tù chơi, gỡ chút sĩ, nếu còn nước là đảng còn tát đến cùng! Đảng có trăm phương nghìn kế, như chuyển công tác về nơi khác hay công du nước ngoài, cho về hưu non, xử lý hành chính, kiểm điểm nội bộ…
Nói có sách, mách có chứng. Trong vụ án tham nhũng tại Tổng công ty dầu khí Việt Nam mà toà án tối cao xử vào ngày 2/07/2007, người ta thấy có bàn tay của Tổng thanh tra Quách Lê Thanh (nhận hối lộ 110 triệu đồng, tất nhiên đây là con số cửa trước, có trời biết ở cửa sau là bao nhiêu). Nhưng đảng rất thích đùa, đùa dai, nên phán rằng, “sai phạm của ông Thanh là không cố ý, do mới chuyển công tác về Thanh tra Chính phủ nên còn bỡ ngỡ”.
Bỡ ngỡ? Với một Tổng thanh tra? Trạng Quỳnh có sống lại cũng bò lăn ra mà cười. Tếu táo như Đảng là cùng! [1].
Cái điều trớ trêu nhất là những người mang danh cộng sản của Việt Nam hiện nay biết rất rõ những chuyện ăn tạp, ăn bẩn này. Nhưng chỉ biết thôi. Họ gọi là tham nhũng. Họ kêu gào, hết ra nghị quyết, đến luật chống tham nhũng, rồi Ban Chỉ đạo Trung ương chống tham nhũng, do thủ tướng đứng đầu. Toàn là thứ dữ. Nhưng nói là một chuyện, thực hiện là chuyện đất hỡi, trời ơi.
Bản chất “vừa đá bóng vừa thổi còi” hay đúng hơn,“vừa ăn cướp, vừa la làng” – là căn bệnh mãn tính hết thuốc chữa của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đơn cử vài lời “khuôn vàng thước ngọc” của các “đầy tớ nhân dân”, “đại diện hợp pháp của nhân dân” trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 11 (ngày 30/3/2007) để chứng minh.
- Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Trương Vĩnh Trọng: “… Muốn công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, trước hết phải phòng, chống tham nhũng từ trong Đảng”.
- Đại biểu Quốc hội Phạm Thế Duyệt (Hải Dương): “Nhìn nhận một cách nghiêm túc, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng và ngày càng tinh vi hơn, tập trung ở một số ngành kinh tế quan trọng”. [2]
- v.v…
Một phường khoét lác
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trước khi sang Hoa Kỳ nói trên báo Vietnamnet khoét lác, bao biện rằng, tham nhũng thì nước nào cũng có. Cái này thì đúng. Nhưng ông ta “quên” mất một điều: Với chế độ độc quyền lãnh đạo, đảng cộng sản Việt Nam tự tung tự tác làm luật và sẵn sàng ngồi xổm luôn lên pháp luật nếu cần và không có lực lượng chính trị-xã hội nào khác làm đối trọng trong cơ cấu quyền lực, không có báo chí tự do (chưa cần nói tới bầu cử tự do) thì vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam là vô phương!
Ba Lan, một nước dân chủ hậu cộng sản, có tham nhũng không? Đương nhiên là có! Nhưng không phải an ninh, cảnh sát điều tra đưa các quan chức vào nhà đá đếm lịch mà chính là báo chí tự do. Người dân nắm bắt được thông tin sẽ dùng quyền hành bằng lá phiếu để loại bỏ những kẻ lạm quyền. Toà án độc lập với mọi đảng cầm quyền là cơ quan cầm cán cân công lý. (Ở Ba Lan, luật pháp quy định chánh án, thẩm phán toà án phải là những người không tham gia đảng phái chính trị nào).
Báo chí tự do của Ba Lan thực sự là quyền lực thứ tư, đã phát hiện ra hầu hết những xì-căng-đan tham nhũng lớn nhất thời hậu cộng sản. Đảng xã hội-dân chủ SLD của Ba Lan (thực tế là hậu thân biến dạng của đảng cộng sản) đã có giai đoạn nắm quyền qua bầu cử tự do (1993-1997 và 2001-2005). Với đa số trong quốc hội và tổng thống thuộc phe mình, SLD tưởng có thể làm mưa gió nên quen theo lối ăn chia cũ thời cộng sản, đã bị báo chí Ba Lan phanh phui, đánh cho tơi bời, sụp đổ uy tín đến mức không biết bao giờ mới cữu vãn, suốt nhiều năm nay loay hoay, xoay xở vẫn chỉ còn khoảng 10% cử tri ủng hộ (từ gần 50% khi mới nắm quyền).
Thế cho nên ác mộng kinh hoàng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là tự do báo chí!
Ông Broaddfoot, giám đốc Tổ chức Tư Vấn Rủi Ro Kinh Tế Chính Trị (HERC), có trụ sở ở Hongkong, đã từng nói: ‘‘Theo tôi, tham nhũng ở Việt Nam và Trung Quốc trầm trọng đến mức nó có thể gây ra cú sốc đau đớn cho tương lai. Trong một hệ thống chuyên chế, báo chí bị kiểm duyệt, những người tố cáo tham nhũng có thể đi tù và ở đó có khuynh hướng che dấu mức độ thật của tham nhũng… Cái thách thức cho Việt Nam và Trung Quốc chính là hệ thống độc đảng của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh không thể thay thế các cá nhân trong bộ máy. Cả hệ thống dân chủ và chuyên chế đều có thể xảy ra tham nhũng. Nhưng trong một chính quyền dân chủ, họ sẽ dễ dàng hơn khi muốn thay thế các quan chức thoái hóa. Để làm được điều này trong hệ thống độc đảng, nó đòi hỏi những người liêm chính trong đảng có hành động chống lại những kẻ tha hóa. Mà thực hiện điều này nhiều khi rất khó, đặc biệt khi có các phe nhóm khác nhau trong đảng”. [3]
Ông Broaddfoot nói chưa đủ. Không phải chỉ rất khó (chống tham nhũng) khi trong một đảng có các phe phái khác nhau. Với Đảng Cộng sản Việt Nam, phe nào cũng ăn, nhóm nào cũng chén, nên dù có phe phái, họ vẫn “đoàn kết”, tức là kết dính chặt chẽ với nhau để cùng hưởng lợi!
Chỉ kẻ vừa mù, vừa điếc, vừa tâm thần mới không biết tình trạng ăn hối lộ ở Việt Nam. Quan quan tham nhũng, nhà nhà quan tham nhũng, những kẻ theo đóm ăn tàn, ngậm miệng ăn tiền, làm thân tôi mọi nhiều như ruồi cũng đua nhau tham nhũng. Toàn đảng nắm chặt tay nhau tiến theo định hướng tiền và hát vang bài ca vô sản với hai nốt nhạc đô la.
Chả thế, một vị cán bộ cao cấp, đã từng làm việc ở Hội đồng Nhà nước, ở Quốc hội Việt Nam (xin được giấu tên) kể cho tôi nghe về Đỗ Mười. Mở ngoặc thêm: người kể cũng cho tôi biết, ngài cựu Thủ tướng, cựu Tổng bí thư, cựu Cố vấn Ban chấp hành Trung Ương Đảng sau khi thôi chức, một trong hai thái Thượng Hoàng của triều đình cộng sản, năm nay đã hơn chín bó, không biết làm ăn gì với em ôsin – cô bé giúp việc, tuổi hàng cháu chít, mà rồi phải cưới cố ta làm vợ, đăng ký kết hôn đàng hoàng!
Chuyện rằng, có người trao đổi về vấn đề chống tham nhũng, ngài Đ.M. (Đỗ Mười) trợn mắt, chém tay quát: “Cái gì? Chống tham nhũng? Bộ mày muốn chống Đảng hả?”. ■
© Lê Diễn Đức
7
1
 
Rate This

http://baotoquoc.com/2011/05/16/tham-nhung-%E2%80%93-ganh-n%E1%BA%B7ng-c%E1%BB%A7a-dan-nh%C6%B0ng-ch%E1%BB%91ng-tham-nhung-la-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BA%A3ng/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét