Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Rửa tiền – Hành động gây vẩn đục nền kinh tế


Vuhoaithu
Không trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của con người, không mang lại những cảnh tượng hãi hùng, không mấy liên quan đến đời sống hàng ngày của mỗi người dân nhưng “rửa tiền” hàng ngày đang ảnh hưởng đến từng chủ thể trong nền kinh tế và trở nên mối lo ngại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bằng những thủ đoạn tinh vi, các băng đảng tội phạm tìm cách tạo một “lý lịch sạch sẽ” cho những đồng tiền bất chính của mình. Những hoạt động này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế vĩ mô nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng.Nếu bạn không phải là một nhà nghiên cứu kinh tế, khi nghe đến thuật ngữ “rửa tiền”, có lẽ bạn chỉ biết rằng đấy đó đơn giản là một loại tội phạm mà thôi. Đối với người dân bình thường, loại tội phạm này có vẻ vô hại bởi nó chẳng giết người, cướp của hay buôn ma túy, không có nạn nhân, không có mất mát không có những cảnh tượng hãi hùng. Phần lớn chúng ta cho rằng hoạt động rửa tiền chẳng liên quan hay ảnh hưởng gì đến mình. Số khác cho rằng đó chỉ là căn bệnh của những nước phương Tây. Bài viết dưới đây xin cung cấp một vài thông tin sơ lược về loại tội phạm tài chính nguy hiểm này cũng như những tác động của nó đến đời sống của chúng ta.
Rửa tiền là gì?
Lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Mỹ vào năm 1973 trong vụ bê bối tài chính Watergate nổi tiếng nước Mỹ nhưng phải đợi 5 năm sau đó thuật ngữ “rửa tiền” mới chính thức được sử dụng trong một số văn bản pháp lý của tòa án Mỹ. Thuật ngữ này trở nên phổ biến trong những thập kỉ gần đây bởi tính phổ biến và ảnh hưởng của chúng. Tổ chức chống rửa tiền quốc tế (Finance Action Task Force) đã định nghĩa hoạt động của rửa tiền là:
  • Việc giúp đỡ đối tượng phạm pháp lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật;
  • Việc cố ý che giấu nguồn gốc, bản chất, việc cất giấu, di chuyển hay chuyển quyền sở hữu tài sản phạm pháp;
  • Việc cố ý mua, sở hữu hay sử dụng tài sản phạm pháp.
Như vậy hiểu một cách khái quát thì rửa tiền là toàn bộ các hoạt động được tiến hành một cách cố ý nhằm hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm.
Nguồn gốc của tiền “bẩn”?
Nguồn gốc của tiền bẩn rất đa dạng, tuy nhiên chúng cùng có chung một đặc điểm là các hoạt động phạm pháp: buôn lậu, tham ô, lừa đảo…Hoạt động rửa tiền, bề ngoài có vẻ như vô hại nhưng kì thực là loại hoạt động có tổ chức và vô cùng nguy hiểm. Rửa tiền vừa là công cụ vừa là động lực của các tổ chức tội phạm. Khi tiền bẩn được đem rửa thì có nghĩa là trước đó đã xảy ra các hoạt động phạm pháp. Tiền có rửa được thì các băng nhóm tội phạm mới tồn tại được và càng lao vào phạm tội để kiếm tiền bất hợp pháp. Rửa tiền là khâu cuối cùng và quan trọng nhất trong những hoạt động phạm pháp nhằm đem lại những tài khoản kếch xù.
Tiền được tẩy rửa như thế nào?
Các thủ đoạn tẩy rửa tiền bẩn ngày càng đa dạng, tinh vi và có tổ chức hơn nhằm “qua mặt” các cơ quan chức năng. Thông thường, tiền được tẩy rửa qua ba bước như sau:
  1. Nhập tiền bẩn vào hệ thống kinh tế tài chính 
    Mục đích của bước này là biến đổi hình thái ban đầu của các khoản thu nhập phạm pháp và tách chúng khỏi tổ chức tội phạm nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Một số thủ đoạn phổ biến là chia nhỏ tiền bất chính để gửi vào các ngân hàng nhiều lần để số lượng mỗi lần không đến mức phải khai báo, mua các công cụ tiền tệ hay hàng hóa xa xỉ đắt tiền, chuyển lậu tiền ra nước ngoài, …
  2. Quay vòng tiền 
    Trong giai đoạn này, những kẻ rửa tiền sử dụng tiền bẩn để thực hiện càng nhiều giao dịch tài chính càng tốt, đặc biệt là các giao dịch xuyên quốc gia, nhằm tạo ra một mạng lưới giao dịch chằng chịt, phức tạp và khó lần dấu vết. Tiền có thể được chuyển đổi thành chứng khoán, séc du lịch hoặc qua các ngân hàng khác nhau.
  3. Hội nhập tiền đã rửa vào hệ thống kinh tế tài chính
    Dù tiền bẩn có được quay vòng qua bao nhiêu giao dịch thì đích đến cuối cùng vẫn là tổ chức tội phạm ban đầu. Một số thủ đoạn tiêu biểu là làm sai lệch hóa đơn trong giao dịch XNK, chuyển tiền qua một ngân hàng hợp pháp thông qua một ngân hàng trá hình hay công ty ma ở nước ngoài… Sau đó những kẻ rửa tiền sẽ đầu tư tiền này vào các hoạt động kinh tế hợp pháp.
Yêu cầu cơ bản để việc rửa tiền được thành công là phải khéo léo xóa được mọi dấu vết giấy tờ giao dịch. Tránh khai báo hải quan, xâm nhập cài người vào hệ thống ngân hàng, trì hoãn cung cấp chứng từ là những thủ đoạn phổ biến giúp bọn tội phạm đạt mục đích này.
Tác động của rửa tiền
Loại hình tội phạm này có ảnh hưởng tiêu cực bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống như kinh tế xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng… và từ lâu đã vươn những chiếc vòi bạch tuộc của chúng ra ngoài biên giới các quốc gia. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến ảnh hưởng của rửa tiền đến nền kinh tế vĩ mô:
  • Sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm gây ra những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái
  • Hoạt động kinh tế ngầm tác động xấu đến hướng đầu tư, chuyển từ các khoản đầu tư cẩn trọng sang đầu tư rủi ro cao làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
  • Hoạt động rửa tiền làm giảm tính hiệu quả của các công cụ tiền tệ của chính phủ, kích thích các hành vi tội phạm kinh tế như trốn thuế, thâm ô, mua bán nội gián, gian lận thương mại, tăng tính bất ổn của nền kinh tế.
  • Các giao dịch ngầm làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị trường.
  • Hệ thống ngân hàng tài chính bị suy yếu, thậm chí có thể bị thao túng bởi các băng nhóm tội phạm.
  • Các con số thống kê bị bóp méo, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách và giảm hiệu quả điều tiết của chính phủ.
Bàn thêm về rửa tiền
luungoclong  
Hoàn toàn đồng ý với bạn rằng rửa tiền làm “vẩn đục” nền kinh tế. Nó cũng gây rất nhiều hậu quả như bạn nói, bởi một nguyên nhân cơ bản, những tổ chức chuyên rửa tiền, đầu tư, chuyền tiền, không phải vì lợi nhuận, mà bởi vì muốn “che giấu” thông tin về nguồn gốc lượng tiền đó. Thực tế, cách dễ dàng nhất, và phổ biến nhất, là thông qua ngân hàng, tại một nước thứ 3 đổ tiền vào một nền kinh tế đang phát triển, sau đó rút tiền ra. Tình hình đầu tư thực tế, có thể thua lỗ nặng, nhưng chúng cũng không quan tâm, và trên sổ sách là đầu tư rất có lãi. Mỗi một lần như vậy, chúng sẽ chuyển được một lượng tiền tương đối lớn thành tiền sạch, thông qua các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài..
Như vậy, theo cách làm ở trên, chúng cần sự “hậu thuẫn” của đội ngũ, kế toán, thuế vụ và quan trọng nhất là Ngân hàng, tại nước chúng đầu tư, và đằng sau những tổ chức đó là “chính phủ”. Không ngạc nhiên, khi một số nước, một số vùng lãnh thổ, đảo quốc đã trở thành “trung tâm rửa tiền”. Luật pháp tại đây, cho phép, nhà đầu tư, che giấu sổ sách kế toán với bất kì ai, kể cả cảnh sát quốc tế, và tổ chức chống rửa tiền quốc tế. Tất nhiên, những “quốc đảo” này hoạt động công khai và bị đưa vào danh sách “vùng xám” của Thế Giới…moneylaundry.gif
Tại sao, chúng vẫn tồn tại? Mặc dù bị phong tỏa về tài chính, nhưng các quốc đảo này vẫn “ăn nên làm ra”..? Câu trả lời, một phần có thể đến từ sự “cám dỗ quá lớn” của lượng tiền khổng lồ mà các hoạt động phạm pháp mang lại. Đã có không chỉ một vài vụ bê bối, các ngân hàng lớn của Mỹ, có các giao dịch “chìm” với các vùng xám này, tiếp tay để chuyển tiền vào nền kinh tế Thế Giới. Và có lẽ, với bất cứ quốc gia nào, cũng rất dễ bị cám dỗ bởi những đồng tiền phi pháp “dễ dàng” kiếm được…
Nhưng mặt trái của nó, không chỉ như những hậu quả bạn đã nêu, mà nguồn tiền “sạch” sau khi trừ đi “hoa hồng”, quay trở lại tiếp tục “nuôi dưỡng” các tổ chức tội phạm, “che chở” thậm trí mua chuộc chính quyền nhiều nước. Hoạt động kiếm ra tiền của các tổ chức tội phạm này, lại chủ yếu từ ma túy, mại dâm, vũ khí, khủng bố và bắt cóc. Chắc hẳn, cũng không một quốc gia nào, muốn vì một ít “hoa hồng” mà có thể để tồn tại, và phát triển trên đất nước mình, một thế lực tội phạm “ngày càng hùng hậu”. Tấm gương của một số nước “sống chung với mafia” là bài học cảnh tỉnh cho các nước, còn đang bị “cám dỗ” bởi tiền bẩn. Nhưng ngặt ở một nỗi, nếu rửa tiền cho tổ chức tội phạm ở “một quốc gia bên cạnh” thì rất có thể, lời đề nghị sẽ được học “xem xét”. Trên hết, chống rửa tiền cần sự phối hợp.
Trong tương lai, dưới sức ép của nhiều nước, chắc chắn “rửa tiền” sẽ ngày càng bị thu hẹp, cũng đồng nghĩa, hoạt động của chúng trở lên tinh vi hơn. Và vì thế, càng cần sự đoàn kết của các tổ chức quốc tế, và đi đầu là các nước có nền kinh tế mạnh.
Rửa tiền, của tội phạm xuyên quốc ra không phải “không xảy ra” ở Việt Nam, hay Trung Quốc, nhưng có vẻ “không được chú ý lắm”. Có lẽ bởi vì chúng ta còn rất nhiều mối quan tâm, lo lắng, đó là xóa đói, giảm nghèo…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp của mình “không thể thờ ơ” với hoạt động rửa tiền. Chúng ta, càng hợp tác, càng liên doanh, càng mở rộng, thì ta càng càn tìm hiểu kĩ “đối tác”. Hãy chắc chắn rằng, đối tác, bạn hàng của bạn, có nguồn tiền trong sạch. Chỉ một sai lầm, có thể đưa doanh nghiệp của bạn đến bờ vực sụp đổ. Cũng cần nói thêm rằng, đặc điểm của các tổ chức này là “thừa tiền”, nên hết sức tránh, việc để các tổ chức tội phạm “thao túng” doanh nghiệp. Tính chất và mục đích doanh nghiệp của bạn, sẽ rất nhanh chóng bị “biến tướng”.
Khi mà các hoạt động “chỉnh sửa, cân đối” giấy tờ, tại Việt Nam, vẫn còn “tồn tại”, vì nhiều lý do, thì các kế toán viên, cần thận trọng hơn trong các dao dịch nước ngoài hoặc theo yêu cầu của các ông chủ ngoại quốc…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét