Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Nan đói năm ất dậu 1945


Nạn Đói Năm Ất Dậu 60 Năm Về Trước
Lê Đình Cai
Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ nạn đói khủng khiếp của năm Ất Dậu (1945) ấy mà bây giờ nhắc lại nhiều người trong cuộc vẫn còn bàng hoàng khiếp đảm. Những người miền Bắc đã kinh qua nạn đói ấy bây giờ có người vẫn còn sống và họ là những chứng nhân cho biến cố bi thảm này. Trong số đó, có những người đang tiếp tục làm kiếp tha hương trên đất lạ; nhưng mùa Xuân đói kém của năm Ất Dậu năm xưa ấy vẫn là nỗi ám ảnh bi thảm khó xóa nhòa trong tâm khảm dù đã 60 năm chuyển dịch của trời đất và dù họ cùng gia đình con cháu ngày nay đang có cuộc sống vật chất quá no đủ ở xứ người.
Vậy nguyên do nào đưa tới nạn đói bi thảm của năm Ất Dậu (1945) cách 60 năm về trước?
Trở lại bối cảnh chính trị của đất nước ta vào những năm cuối của cuộc đệ nhị thế chiến để truy tìm nguyên nhân của thảm trạng này.
1. Quân Nhật kiểm soát Đông Dương
Trong khi quân Đức quốc xã tiến chiếm kinh đô Paris của Pháp (14/06/1940) thì quân Nhật ở Á Châu cũng đã tiến chiếm vùng Quảng Đông của Trung Hoa. Với thắng lợi này của phe Trục (gồm Đức, Ý, Nhật), Nhật đã gởi tối hậu thư ngày 18/06/1940 cho Toàn Quyền Catroux đòi kiểm soát hai đường xe lửa Hải Phòng-Vân Nam và Hà Nội-Lạng Sơn để ngăn không cho Pháp vận tải, tiếp tế xăng dầu, vũ khí cho quân đội của Tưởng Giới Thạch. Toàn quyền Catroux phải nhượng bộ và sau đó đã bị Đô Đốc Decoux, tư lệnh hải quân Pháp ở Viễn Đông lúc bấy giờ lên thay thế.
Với hiệp ước ký ngày 30/08/1940 tại Tokyo giữa Pháp và Nhật thì uy quyền của Pháp ở Đông Dương bắt đầu sút giảm, và ảnh hưởng của Nhật ngày càng lấn lướt. Và với hiệp ước 08/12/1941 (sau khi oanh tạc Trân Châu Cảng), Nhật đã ép chính phủ Pétain của Pháp đi đến nhiều nhượng bộ về quân sự và quân đội Nhật được quyền đóng quân từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu với quân số buổi đầu từ 6.000 người nay tăng thành 35.000 người [1].
Và đặc biệt, Nhật lại có một vị Đại Sứ, ông Yoshizawa, bên cạnh Toàn quyền Đông Dương, điều từ trước đến nay chưa bao giờ có. Như vậy tình thế Đông Dương cho đến khi Nhật đầu hàng (15/08/1945), ngoài ông chủ cũ là người Pháp, nay thêm một ông chủ mới cao hơn là người Nhật. Dân Việt bây giờ lại sống trong cảnh “một cổ hai tròng”.
2. Bối cảnh kinh tế trước khi nạn đói xảy ra
Ngày 06/05/1941, Pháp lại phải ký với Nhật về một thỏa ước thương mại trong đó có hai khoản chính yếu sau:
- Người Nhật và các công ty Nhật được làm một số nghề, được khai thác hầm mỏ, đất đai, được kinh doanh về thủy điện…
- Các hàng hóa nhập cảng vào Đông Dương được hưởng quy chế tối huệ quốc, một số mặt hàng được hưởng hối suất nhẹ. Theo thỏa ước này, Việt Nam bị ép buộc phải sản xuất một số mặt hàng theo yêu cầu của Nhật để đổi lấy hàng kỹ nghệ của họ. Việt Nam buộc phải cung cấp cho quân đội Nhật Bản đồn trú trên lãnh thổ của mình một số lượng gạo khổng lồ được ấn đinh: 700.000 tấn năm 1941, 1 triệu 50 ngàn tấn năm 1942, 950.000 tấn năm 1943 và 900.000 tấn năm 1944 [2]. Một mặt họ đời hỏi cung ứng một lượng gạo lớn lao hàng năm như thế, mặt khác họ lại buộc phải phá bỏ đất trồng lúa, trồng bắp để trồng đay, trồng gai phục v ụ cho nhu cầu chiến tranh của họ. Đây là một trong số những yếu tố dẫn đến nạn đói năm Ất Dậu (1945) khởi đi từ mùa Đông 1944 đến tháng 5/1945.
Năm 1944, vì bị áp lực của Nhật, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã ép giá nông dân Việt, chỉ trả 25 đồng cho một tạ lúa trong khi giá thị trường trước đây là 200 đồng và giá vốn là 80 đồng. Tạp chí Thanh Nghị số ra ngày 26/02/1944 có kể lại tình cảnh bi thảm của dân quê Bác Kỳ lúc bấy giờ:”Ở Trung Châu Bắc Kỳ, dân nghèo năm thì mười họa mới được ăn một miếng thịt, cả đến giai cấp trung lưu, trung bình 20 gr một ngày, (trong khi) theo viện Pasteur thì phải cần có 55 gr thịt một ngày (mới đủ). Dân ở nông thôn đại đa số là bần nông thì chỉ dùng những dụng cụ bằng gỗ, rất ít có dụng cụ cơ khí, ngoài ra không có vốn liếng gì cả. Ở Bắc Kỳ từ tháng 4 đến tháng 10, nông dân chỉ còn được 10% hoa lợi. Nông dân đói ăn, mặc rét, kệ thây, thuế đã”.[3]
Khi Nhật chưa đến Đông Dương, Việt Nam chỉ đóng có 44.308.000 đồng thuế năm 1939 đến năm 1944, tiền thuế tăng hơn gấp đôi (98.072.000 đồng). Dưới áp lực của người Nhật, chính quyền Pháp tại Đông Dương ép dân Việt phải bán 3/4 số thóc thu hoạch được, nhiều trường hợp không đủ số thóc quy định, người dân phải mua ngoài bù vào với giá 200 đồng một tạ.
Dân sống trong cảnh một cổ hai tròng (Pháp – Nhật), nên đời sống ngày càng khốn đốn, sản xuất gặp những năm mất mùa, không đủ ăn, lại đóng thuế quá cao nên người dân không còn gì để ăn cả. Trong “Việt Nam: A long History” xuất bản tại Hà Nội, 1987, Ông Nguyễn Khắc Viện cũng đã đề cập đến sự tàn tệ của người Nhật khi thúc ép chính quyền Pháp ở Đông Dương cung ứng chi phí chiến tranh cho họ, ngoài sự tận thu thóc lúa và bóc lột đến tận xương tủy của người dân khốn khổ.
Để cung ứng chi phí chiến tranh cho quân đội Nhật, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã phải ấn hành số tiền tệ cần thiết lên đến 723 triệu đồng (cho tới năm 1943), gấp 7 lần ngân sách Đông Dương của năm 1939 và đến 1944 lên đến 1 tỉ 52 triệu đồng. Vì vậy vật giá tăngcao chưa từng thấy trước đó. Dân nghèo nông thôn gánh đủ hậu quả này. Gánh nặng lớn lao nhất vẫn là cung cấp gạo. Ngay ở vùng Bắc Bộ, nơi đang thiếu ăn trầm trọng, thế mà đã phải cung cấp cho Nhật 130.205 tấn (1943) và 186.130 tấn (1944). Bất kể vụ mùa tốt hay xấu, dân quê cũng phải đóng số lượng gạo đã được phân bổ theo đất trồng trọt với giá 19 đồng cho một tạ lúa; trong trường hợp mất mùa, người dân đã phải mua gạo, theo giá thị trường đến gấp ba (54 đồng cho một tạ gạo) [4]. Người nông dân đã không thể nào kiếm đủ ăn cho bản thân chứ chưa nói là cho gia đình. Chính sách tận thu nông sản nghiệt ngã này đã đẩy người dân vào nạn đói không thể nào tránh khỏi.
Để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh, Nhật đã bắt nông dân phá bỏ ruộng lúa để trồng đay trên một số diện tích rất lớn. Năm 1944, khi người Mỹ ném bom ngan cản việc chuyên chở than đá về Sài Gòn, người Pháp và Nhật đã cho lệnh sử dụng gạo và bắp (ngô) như là nguyên liệu để chạy máy. Họ tận thu thóc, ngô cho mục tiêu này. Đây lại là lý do nữa dẫn tới nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (gạo ở miền Nam không chở ra Bắc được vì không có nhiên liệu để vận chuyển xe cộ, tàu bè…)
Trong khi các dấu hiệu đói kém đã dần dần hiện rõ, thì năm 1941, Nhật đòi 700.000 tấn gạo, Pháp chỉ cung cấp được 585.000 tấn. Năm 1942, Nhật đòi 1 triệu 74 ngàn tấn, nhưng Đông Dương chỉ cung cấp được 973.908 tấn. Năm 1943, Nhật đòi 1 triệu 125 ngàn 904 tấn, Pháp chỉ nộp được 1 triệu 23 ngàn 471 tấn. Năm 1944, dù mất mùa nặng, ngũ cốc khan hiếm, Nhật vẫn đòi 900.000 tấn, Pháp chỉ cung cấp được gần 500 ngàn tấn mà thôi. [5]
Ngoài gạo ra, Nhật đòi cung cấp thêm bắp (ngô) để nuôi ngựa. Năm 1942, Pháp phải cung cấp 124.923 tấn ngô. Năm 1943, cấp thêm 98.700 tấn. Năm 1944 vì số ruộng trồng ngô bị phá nhiều nên chỉ cung cấp được cho Nhật 18.263 tấn, và đầu 1945 là 12.134 tấn.[6]
3. Nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra
Nghiêm Xuân Yêm đã viết: ”Những năm bình thường, dân nghèo đói quanh năm, một ngày chỉ một bữa cơm độn khoai, (con một bữa cháo). Hết việc ruộng đi làm mướn thất thường, quanh năm công nợ, nai lưng gỡ nợ, gỡ nợ rồi lại mắc” [7].
Giáo sư Cao Thế Dung dẫn lại tài liệu của Decoux, “A la Barre de l’Indochine” kể rằng: “Nạn đói Ất Dậu bắt đầu vào mùa Đông 1944 kéo dài cho đến tháng 5/1945. Ở Trung Châu Bắc Việt, gà vịt lợn biến mất, dần dần biến mất cả chó, có những xóm không còn một con vật nào. Các tiểu nông đi đến chỗ tuyệt vọng. Ruộng nương trâu bò phải bán đứt hay bán đợ. Lúa phải bán non, đồ đặc phải cấm cố. Làng Thượng Cẩm, phủ Thái Ninh, Thái Bình có 900 suất đinh vào năm 1944, ngày 27/05/1945 chết hết còn 400. Nam phụ lão ấu trong làng Thượng Cẩm Thái Bình là 4000 người chết đi còn lại 2000 người “ [8].
Một tác giả người Pháp đã kể lại trong “Témoignages et documents français relatifs a la Colonisation française au Vietnam” cái cảnh tượng thê thảm của nạn đói năm Ất Dậu đó như sau:”Họ đi thành rặng dài bất tận…toàn thân lõa lồ, gầy guộc, trơ xương ra, run rẩy…Thỉnh thoảng, họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ ngả xuống và không bao giờ thức dậy được nữa… Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết co quắp cạnh đường chỉ có một vài nhánh rơm vừa làm quần áo, vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”
Sau Tết Ất Dậu (1945), khoảng tháng 3, nạn đói ngày càng gia tăng và con số người chết có lúc lên cả hai vạn người một ngày. Trong lúc đó lừa ngựa của Nhật vẫn được nuôi ăn đầy đủ bằng bắp và gạo thu được từ trước và được chất đầy trong các kho lương thực dọc theo quốc lộ 1, nhưng người Nhật vẫn không cho mở các kho gạo ra để cứu trợ. Cho đến tháng 5/1945, có làng như làng Thượng Cẩm, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình, dân số ước chừng 4000 người thì chết hết 2000 như đã nói ở trên. Và sau đây là những con số đáng ghi nhớ. Dân số Thái Bình 700.200 người, chết đói khoảng trên 260.000. Nam Định là một vựa thóc, dân số khoảng 680.000, chết đói 229.650 người. Ninh Bình dân số 200.000, chết đói 37.936 người. Hà Nam, dân số khoảng 400.000, chết đói 50.383 người.[9] Theo tổng kết của viên Toàn Quyền Decoux thì trận đói năm Ất Dậu (1945) đã khiến khoảng 1 triệu người chết, nhưng thực tế chắc con số này cao hơn nhiều.
Qua phần trình bày các tài liệu như trên đây thì lý do để giải thích hợp lý cho trận đói năm Ất Dậu, ngoài lý do thiên tai, hạn hán, mất mùa, là chính sách tàn ác của quân đội Nhật cho lệnh thu mua lúa gạo, ngô (bắp) tích trữ; phần khác cho lệnh phá bỏ những cánh đồng trồng lúa, ngũ cốc để trồng đay phục vụ cho nhu cầu chiến tranh khi phe trục Đức-Ý-Nhật đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới trong trận đệ nhị thế chiến. Dĩ nhiên, người ta không quên kể đến lý do trong Nam không tiếp tế gì cho miền Bắc được vì các mõ than để chạy xe tàu đã bị bom Hoa Kỳ đánh phá dữ dội và một số lượng gạo, ngô đã bị chính quyền Pháp chế biến thành nhiên liệu phục vụ cho vận chuyển trong Nam. Và cũng phải kể thêm nạn đầu cơ tích trữ lúa gạo của các thương buôn người Hoa, thành phần nắm chủ lực về kinh tế từ nông thôn ra đến thành thị và từ cả miền Nam ra đến miền Bắc, khiến người nông dân ngày càng kiệt quệ không sản xuất được mà cũng không có tiền để mua thực phẩm.
Cốt lõi của thảm cảnh năm Ất Dậu vẫn là chính sách tàn ác vô nhân đạo của người Nhật khi họ tràn vào xâm lăng Trung Hoa và Đông Nam Á. Họ biết dân Bắc Việt đang đói kém ghê gớm, họ biết mỗi ngày có đến cả hàng ngàn người chết đói nhưng họ vẫn không mở kho lương thực nào để cứu đói cả và theo sự thú nhận của một viên chức Nhật quản lý lúa gạo sau khi Nhật đảo chánh (09/03/1945) thì “gạo vẫn được chất cao như núi trong các kho vựa của Nhật” [10]. Thật quả đây là một tội ác chiến tranh của người Nhật trong đệ nhị thế chiến mà chính họ khó gột bỏi hình ảnh xấu xa này trước công luận thế giới và trước lương tâm nhân loại.
San Jose, Mùa Xuân Ất Dậu 2005
Lê Đình Cai
(viết để ghi nhớ những nỗi đau của dân tộc Việt).
——————————————————————————–
[1] Lữ Giang, “Những bí ẩn lịch sử đằng sau cuộc chiến Việt Nam”, California, Hoa Kỳ, 1998, tr.159.
[2] Lữ Giang, sđd, tr.158
[3] Cao Thế Dung, “Việt Nam huyết lệ sử”, Hoa Kỳ, nxb Đồng Hướng, 1996, tr. 719
[4] Nguyễn Khắc Viện, “Việt Nam: A long History” xuất bản tại Hà Nội, 1987, tr 241
[5] J.Gauthier, “ L’Indochine au travail dans la Paix Francaise”, Paris, 1947, tr. 283.
[6] Annuaire statistique de l’ Indochine, 1939 – 1946, tr. 166, được dẫn lại trong Cao Thế Dung, sđd, tr.728).
[7] Nghiêm Xuân Yêm,”Cảnh nghèo ở thôn quê” đăng trong tạp chí Thanh Nghị số 47 ra ngày 16/10/1943:
[8] Cao Thế Dung , sđd, tr.723
[9] Tập san “Nghiên Cứu Lịch Sử” số 4, 1990, tr.50 – 56; Cao Thế Dung, sđd, tr.728
[10] Xem “Nghiên Cứu Lịch Sử”, số 4, 1990, tr.50 – 56

NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU (1945) HƯƠNG VĨNH
Năm Ất Dậu (2005) là đúng 60 năm, kể từ khi nạn đói khủng khiếp xảy ra vào đầu năm Ất Dậu (1945).
Thi sĩ Bàng Bá Lân đã ghi lại cảnh chết đói kinh hoàng đó qua bài thơ “ĐÓI”như dưới đây:
“Năm Aát Dậu tháng ba còn nhớ mãi
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì…đói!”
Suốt chiều dài lịch sử, chưa bao giờ dân tộc Việt-Nam phải chịu một tai họa thảm khốc có tính cách xã hội và nhân văn như thế, xét về số người chết đói và ở trên một địa bàn qui mô của vùng bị tai họa.
Trong quá khứ, đã từng xảy ra những cuộc thư hùng giữa “Sơn Tinh Thủy Tinh” trong suốt dòng lập quốc của dân tộc Việt-Nam – khi còn là “nòi Việt” ở đồng bằng Sông Hồng và sau nầy khi người Việt mở mang bờ cõi về phương Nam, xuống tận đồng bằng sông Cửu Long – nhưng chưa bao giờ có một tai họa khủng khiếp như thế.
Nếu nói trận đói năm Aát Dậu là một sự kiện chết người tập thể vô tiền khoáng hậu cũng không ngoa chút nào, có lẽ chỉ kém những thiệt hại về nhân mạng và tài sản của cuộc chiến giữa hai phe Quốc Cọng trong thời gian 1945-1975, trải dài suốt ba thập niên. Nhưng xét về số người bị nạn trong một thời gian kỷ lục thì nạn đói năm Aát Dậu 1945 vẫn là độc nhất vô nhị từ trước đến nay.
“Khắp đường xá những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp,
Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma;
Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa
Như muốn bắt những gì vô ảnh.
Dưới mớ tóc rối bù và kết bánh,
Một làn da đen xạm bọc xương đầu.
Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu,
Má hóp lại, răng hằn sâu gớm ghiếc.
Già trẻ gái trai không còn phân biệt,
Họ giống nhau như là những thây ma,
Như những bộ xương còn dính chút da,
Chưa chết đã bốc xa mùi tử khí!”
Diễn tiến qui mô nạn đói
Trong bối cảnh thế chiến thứ hai, nạn đói xảy đến với phần đất Bắc kỳ vào đúng lúc cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra quyết liệt, nhất là khi quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương từ năm 1941 với những toán quân tiền tiêu từ Trung Quốc xung đột với quân Việt Pháp ở đồn Tà Lùng là cửa ngõ vào Lạng Sơn. Nếu chiếm được Lạng Sơn thì con đường vào sâu trong đồng bằng miền Bắc Việt-Nam kể như bỏ ngỏ, vì từ Lạng Sơn, chỉ cần di chuyển 120 cây số là đến Hà-Nội – trung tâm vùng Đồng Bằng Bắc Việt.
Chính các diễn biến chiến tranh tích lũy từ đầu thập niên 1940 đã đưa đến nạn đói khủng khiếp vào đầu năm 1945, giết chết ít nhất hai triẹâu đồng bào, từ phía Bắc miền Trung ra tới Đồng Bằng Bắc Kỳ.
“Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
Rải bên đường những nấm mộ âm thầm
Được đánh dấu bằng ruồi xanh cỏ tốt.
Có nấm mộ quá nông trơ hài cốt,
Mùi hôi tanh nồng nực khắp không gian.
Sau vài trận mưa nước xối chan chan,
Oâi, thịt rữa xương tàn phơi rải rác!
Tại Hà Nội cũng như bao tỉnh khác,
Những thây ma ngày lết đết càng đông;
Đem ruồi theo cùng hơi hớm tanh nồng,
Rồi ngã gục khắp đầu đường cuối ngõ.”
Ở khắp đồng bằng miền Bắc lúc bấy giờ những người đói đi ăn xin nhan nhản khắp nơi, vì thiếu đồng ruộng canh tác, thiếu lúa gạo…và chết dần chết mòn. Nạn đói xảy ra ở các cánh đồng và những đường làng ở khắp nơi trong các thôn xóm cũng như thành thị. Có nơi, vì đói quá, người ta đã xông vào cướp phá kho lẫm lúa gạo của những người giàu có trong làng. Trong số những người đói khát, ngoài số người cư ngụ tại vùng Đồng Bằng Miền Bắc, còn có nhiều người từ những tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đi ra miền Bắc ăn xin.
“Hai triệu người, vì thực dân, lìa bỏ
Nước thân yêu, oan uổng chết đau thương,
Trong lúc đầy đồng bát ngát, ở quê hương,
Lúa mơn mởn đang ra đòng trổ trái,
Lúa trĩu hạt vàng tươi sai gấp bội,
Ngạt ngào thơm báo hiệu ấm no vui.
Nhưng người đi không về nữa, than ôi!
Lúa chín gục, chẳng còn ai gặt hái!…
……
Từng gia đình dắt díu nhau lê bước
Đi lang thang mong sống tạm qua ngày.
Đợi lúa lên hương, bông trĩu đầu cây.
Hơn tháng nữa sẽ hồi cư sẽ sống!
Nhưng đau đớn hỡi ơi là ảo mộng!
Họ ra đi hy vọng có ngày về!
Nhưng chẳng bao giờ về nữa, hởi người quê.
Dần lả gục khắp đầu đường xó chợ!”
Vì nạn đói xảy ra trong lúc chiến tranh nên hầu như các số liệu chính thức không được ai thống kê đầy đủ và chính xác. Ở khắp nơi nhiều ban cứu đói riêng được lập ra, như tại làng Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Đông, thầy Mai Xuân Hậu cùng với nhiều người tham gia vào ban cứu đói địa phương; thầy Nguyễn Khắc Xuyên ở giáo xứ Bút Đông, Duy Tiên, Hà Nam; thầy Nguyễn Khắc Đương ở Hội Đồng Hương Chánh làng Côi Mỹ, Hà Tĩnh.
Tại làng Hòa Khê, Duy Tiên, Hà Nam là khu vực giáp ranh với huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Đông, thường xảy ra cảnh thương tâm của những người đói ăn, thiếu ruộng cày, phải đi lang thang đây đó để xin ăn. Có người đói lả nằm ngã lăn bừa bãi khắp nơi giữa đường, trên đồng ruộng, trước cửa nhà…mòn mỏi rồi chết tất tưởi trong tình cảnh rách rưới, tứ cố vô thân. Số người chết đông đảo đến nỗi chôn không xuể, khiến nhiều người bị nhiễm trùng và nạn ôn dịch đã xảy ra nhiều nơi.
Ở bên kia làng Hòa Khê có con sông đào cũng mang tên Hòa Khê, nối sang bên đồng ruộng là Tè Mũ, Mai Trang, Thần Nữ bằng một cây cầu tre. Vì quá nhiều người nằm chết la liệt ở hai bên bờ sông, những người còn khỏe mạnh trong làng rủ nhau đi qua bên kia sông thu lượm những xác chết lại, đào vội một hố lớn không sâu lắm ở bên kia cầu tre và đem chôn vùi như ma đuổi tất cả số người chết đói đó trong chiếc hố tập thể.
“Mùi nhạt nhẽo nặng nề kinh dị,
Một mùi tanh lộn mửa thoảng mà kinh.
(Mùi tanh hôi ám ảnh mãi bên mình
Khiến cả tháng ăn không còn ngon bữa).
Những thây đó cứ xỉu dần tắt thở,
Nằm cong queo mắt vẫn mở trừng trừng,
Trông con ngươi còn đọng lệ rưng rưng,
Miệng méo xệch như khóc còn dang dở.
Có thây chết ba hôm còn nằm đó,
Ruồi tám phương bâu lại khóc vo vo…
Rồi ven đường đôi nhát cuốc hững hờ
Đắp điếm vội những nấm mồ nông dối!”
Trong số người chết, có cả những người còn ngắc ngoải, chưa chết hẵn. Có người còn rên lên: “Đừng chôn sống chúng tôi, để chúng tôi chết hẳn đã”. Bất chấp những lời than vãn đó, những người khỏe mạnh cứ lấp đất vội vàng trên những thân thể còn chút hơi sống đó và tiếng kêu chỉ tắt hẳn khi những tảng đất định mệnh lấp đầy chiếc hố bên bờ sông!
Hình ảnh đó ám ảnh đám trẻ trong làng nhiều tháng trời và mùi hôi trong nấm mồ tập thể cứ theo ám ảnh hoài, trong những giấc mơ hãi hùng trên giường ngủ, hoặc trong những câu chuyện rùng rợn hù dọa nhau trên cửa miệng mọi người hằng ngày.
Đầu cầu tre bên làng, một thanh niên gần chết nằm im lìm đầu xóm ngay giữa ngã ba đường, không còn hơi sức cử động. Tuy là một thanh niên còn trẻ nhưng trông như một cụ già, quần áo tả tơi rách nát, nhăn nheo, chỉ còn da bọc xương, để lộ nửa phần thân phía dưới. Một đứa trẻ tinh nghịch, bẻ một cành tre đâm thọc. Thân thể đáng thương kia chỉ giật giật nhè nhẹ, chắc có vẻ đau đớn lắm nhưng không phản ứng gì được. Đám trẻ đứng xem gần đó, bịt mặt, với đôi mắt đỏ hoe, sợ hãi vội quay đi, chạy trốn về nhà.
Có ông nhà giàu trong làng sai người giúp việc trong nhà, lấy gạo nấu cháo và hễ ai đến xin ăn thì múc cho một chén cháo đỡ đói. Nhưng số người xin ăn quá đông, đến nỗi tối khuya vẫn còn người đến đập cửa xin ăn. Khi nghe tin có nơi những người ăn xin còn khỏe mạnh đã vào ăn cướp kho lẫm của những nhà giàu nên từ đó trở đi, ông phú hộ kia phải cửa đóng then cài.
“Họ là những người quê non nước Việt,
Sống cần lao bên ruộng lúa, đồng khoai.
Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi,
Nước Việt sống vì mồ hôi họ đổ.”
Tại Hà Nội, nhiều xác người chết đói nằm ngổn ngang trên các đường phố. Mỗi sáng sớm người ta phải đem xe bò chở những xác chết đó đem đi chôn vội. Có người đi ăn xin, đói lả giữa phố, đêm đến, nằm dựa lối cửa ra vào hay bờ tường các căn phố. Khủng khiếp thay! Nhiều người sáng sớm vừa mở cửa thì xác chết đổ kềnh sang một bên, có khi ngã lăn vào phía bên trong nhà, khiến người nhà kinh hồn khiếp vía!
“Thường sớm sớm cửa mỗi nhà hé ngỏ,
Rụt rè xem có xác chết nào chăng!
Từng chiếc xe bò bánh rít khô khan
Mỗi sáng dạo khắp nẻo đường nhặt xác.
Xác chồng chất lù lù như đống rác,
Đó đây thò khô đét một bàn chân
Hai cánh tay gầy tím ngắt teo răn
Giơ chới với như níu làn không khí,
Như cầu cứu, như vẫy người chú ý…
Có hơi thở tàn thoi thóp chưa thôi,
Có tiếng cựa mình, tiếng nấc…Những tròng ngươi
Nhìn đẫm lệ người chôn người chửa chết!
Bốn ngoại ô mở ra từng dãy huyệt
Được lấp đầy bằng xác chết…thường xuyên.
Ruồi như mây bay rợp cả một miền…
Chết! Chết! Chết! Hai triệu người đã chết!”
Tại Tràng Tập Hà Nội có khoảng 120 tiểu chủng sinh, được nhà trường cho ăn mỗi ngày chỉ có một bữa tạm no với một chén cơm đầy, còn hai bữa kia, ăn cháo với cám xay, để có đủ chất bỗ do cám mang lại.
Nạn đói kéo dài có lẽ từ cuối năm 1944 cho đến khoảng giữa tháng 5 năm 1945, với số người chết đói ước độ trên dưới hai triệu người. Ai là người chịu trách nhiệm về tội ác nầy?
Nguyên nhân xảy ra nạn đói năm Aát Dậu (1945)
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu phân tích, các nguyên nhân đưa đến nạn đói năm Aát Dậu 1945 mang nhiều tình tiết phức tạp sau đây:
1/- Về phía người Nhật
Trước tình thế có thể nguy ngập vì xung đột lẫn nhau, ngươì Nhật đang nắm thế thượng phong ở chiến trường Thái Bình Dương, đã lần lượt chiếm đóng Trung Hoa, rồi tràn xuống phía Nam châu Á, tiến đến các lãnh thổ Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Việt Nam, Thái Lan và nhiều hải đảo phía nam, kể cả Uùc châu.
Khi chiếm đóng Đông Dương, quân đội Nhật muốn chọn Việt-Nam, đặc biệt Nam Kỳ như một bàn đạp hậu cần để tiến xuống vùng hải đảo. Do đó, quân đội Nhật không những tận thu các sản phẩm lúa gạo, cao su và nhiều tài nguyên kỹ nghệ nông nghiệp khác, mà còn bắt nông dân Việt-Nam phải phá bỏ các ruộng lúa mà thay vào đó, phải trồng đay lấy sợi làm bao chứa gạo và khí tài quân sự, vận chuyển tiếp tế cho các hải đảo vùng Đông Nam Á.
Do điều kiện địa lý, ngay chính quốc Nhật cũng từng thiếu diện tích trồng lúa. Vì vậy việc phá lúa trồng đay xảy ra rất tàn bạo quyết liệt tại Miền Bắc và vùng Bắc Miền Trung. Ở vùng lãnh thổ nầy, đồng lúa vốn đã hiếm, phương chi phải chuyển ruộng lúa thành ruộng trồng đay thì việc thiếu lúa gạo là tất nhiên.
“Năm ấy, thuở Nhật, Tây cùng đô hộ,
Chúng thi nhau cướp lúa của dân ta.
Hết lúa rồi, hết sạch cả khoai ngô;
Hết củ chuối, hết nhẵn khô cả sắn!
Ngày giáp hạt không còn chi gậm nhấm,
Đói cháy lòng, đành nhá cả mo cau;
Nhá cả bèo và nuốt cả khô dầu!
Đói! Đói! Đói! Người nhao lên vì đói!”
Trong lúc đó, ở Miền Nam, thảm cảnh nầy không diễn ra một cách quá phũ phàng. Vì thế, trong khi miền Bắc chết đói thì ở miền Nam có lúc tại Saigon, người ta lấy thóc đốt thay than để chạy máy xe lửa! Là quân đội chiếm đóng, người Nhật khi vào Bắc kỳ lại chú trọng đến các nguồn lợi than đá để chuyển về nuôi sống công nghiệp vì ở chính quốc tài nguyên quá nghèo nàn để có thể hỗ trợ các nhà máy chế biến công nghiệp.
2/- Về phía người Pháp
Họ cũng cần thu quén lúa gạo để nuôi quân và đề phòng bị cô lập hóa với mọi nguồn tiếp tế ở bên ngoài, nên vừa phải thu lúa gạo cho quân đội Nhật, dưới áp lực của chính quân phiệt Nhật, vừa phải dành lúa gạo cho quân dân chính trong khu vực mình kiểm soát. Tất cả các nguồn lợi mà người Pháp vẫn nhận từ chính quốc ở Aâu châu và các nước khác chẳng bao lâu bị cắt đứt.
“Cùng lúc ấy, cũng trên đường rộn rã,
Từng đoàn xe chuyên chở thóc vàng tươi.
Thóc của dân đen, thóc của những người
Đang chết đói vì thực dân cướp thóc.
Thóc chúng cướp phần vung xài huy hoắc,
Phần chúng đem để mục nát trong kho!
Oâi đau thương, chưa từng thấy bao giờ…
Trong lịch sử chưa bao giờ từng có!”
3/- Về phía quân dân kháng chiến Việt-nam
Tất cả các lực lượng có xu hướng chính trị kháng chiến – quốc gia và không quốc gia – cũng đều lo tích trữ lương thực hiếm hoi trong tình thế nguy ngập đó, nhất là những lực lượng kháng chiến do phong trào Việt Minh kiểm soát. Vào thời điểm có nạn đói, những thanh niên như Nguyễn Mạnh Hà và Nguyễn Đình Đầu là những người tích cực tham gia hoạt động cứu đói, nhưng không thể không điều phối ở tầm mức chiến lược nào đó với kế hoạch tích trữ lương thực nuôi quân chiến đấu, giành dân với lực lượng không Cộng sản.
4/- Sau cùng những trận oanh tạc của Đồng Minh
Người ta không quên được những trận oanh tạc khủng khiếp của Đồng Minh mà đứng đầu là Hoa Kỳ, đêm ngày oanh kích những địa điểm chiến lược nông công nghiệp trọng yếu để phá tan hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ, những đường tiến quân của quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản ở Việt-Nam, nhất là ở miền Bắc, xây dựng cơ sở hậu cần để yểm trợ tiền tuyến, hầu tiến quân xuống các hải đảo Đông Nam Á và phía Nam Thái Bình Dương.
Chiến tranh không lực đã góp phần quan trọng vào việc làm đình trệ tất cả sinh hoạt vốn hạn chế ở khu vực công nghiệp, nông nghiệp và công nông dân đang sinh hoạt ở đó, nhất là tại những vùng quân đội Nhật Bản bắt buộc canh tác đay và vùng mỏ khai thác than đá, nhằm mục đích tiêu diệt khả năng tiếp vận và cơ sở hậu cần của đối phương.
Người dân Việt đời đời sẽ không quên được vết thương đau đớn nầy của Thế Chiến Thứ Hai – thời kỳ toàn dân chịu sự thống trị một cổ đôi tròng của quân chiếm đóng Pháp và Nhật (1938-1945) cùng những cuộc oanh tạc không quân mãnh liệt của lực lượng Đồng Minh chống lại quân phiệt Nhật Bản ở mặt trận Thái Bình Dương, trong liên minh Phát Xít, tức Phe Trục Đức Ý Nhật.
“Ta nhớ mãi cái thời kỳ đen tối!
Quên làm sao tội lỗi kẻ xâm lăng!
Quên làm sao mối thù hận khôn cùng!
Quên sao được hai triệu người chết đói!
Năm Aát Dậu tháng ba, còn nhớ mãi,
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì…đói!
Đói tự Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia-Lâm!”
Tài liệu tham khảo
- Hồi ký viết tay ngày 04-11-2004 về “NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU” của giáo sư Đỗ Hữu Nghiêm ở Dayton, Ohio.
- Bài thơ “ĐÓI’ của thi sĩ Bàng Bá Lân (Tháng năm 1957). (“Thi Nhân Việt-Nam Hiện Đại, quyển thượng, trang 284-288)

Từ Nạn Ðói Năm Ất Dậu 1945 Tới Những Ngày Trơ Xương Mắt Trắng
Tại Miền Nam VN Sau 30-4-1975

HỒ ÐINH Thế chiến 2 tuy chính thức mở màn từ tháng 9-1939 giữa phe trục Ðức-Ý và Ðồng Minh (Anh, Pháp, Hà Lan) nhưng tới ngày 10-5-1940, Hitler mới khai hoả cuộc chiến tại Âu Châu. Ngày 14-6-1940, chính phủ Pháp của nội các Reynaud di tản chiến thuật xuống tận Bordeaux , rồi tan vở. Kinh đô Paris bị bỏ ngõ, quân Phát Xít Ðức vào tiếp thu và ngày 17-6-1940, tướng Pétain lãnh đạo lâm thời nước Pháp lúc đó, ký hiệp ước đầu hàng Ðức. Biến cố trên, đã là một bước ngoặt quan trong nhất, trong dòng lịch sử cận đại của VN, vì chính nó đã mở đường để quân phiệt Nhật vào Ðông Dương (1940-1945), gây nên thảm kịch 2 triệu người VN bị chết đói năm Ất Dậu 1945. Cọng sản đệ tam quốc tế do Hồ Chí Minh đứng đầu, đã núp trong Mặt Trận Việt Minh, lợi dụng nạn đói trên cùng những biến chuyển lịch sử trong thế chiến 2,làm sụp đổ chính phủ Trần Trọng Kim và cướp được chính quyền lúc đó đang bị bỏ ngỏ. Do những bí ẩn của lịch sử chưa được khai quật trong nấm mộ thời gian, nên chúng ta cũng đừng ngạc nhiên, khi thấy VC từ đó đến nay, vẫn tỉnh bơ trước biến cố dân chết đói năm Ất Dậu 1945. Ðã thế các sử gia đỏ còn to mồm một mực chỉ đổ thừa cho Pháp-Nhật là nguyên nhân gây nên thảm kịch. Nhưng giấy làm sao gói được lửa và thúng cũng chẳng úp giấu được voi bao lâu, nên ngày nay chẳng những người Việt, mà cả thế giới , đều biết chính bọn cọng sản quốc tế trong Mặt Trận Việt Minh lúc đó, cũng là những tòng phạm giấu mặt, đã cùng với Pháp-Nhật, gây nên thảm án thiên cổ kinh hoàng nhất trong dòng sông lịch sử Hồng Lạc.
Ngày 30-4-1975, Miền Nam VN sụp đổ hoàn toàn vì thù trong giặc ngoài , khiến cho cả nước phải sống trong vũng bùn ô uế của xã nghĩa thiên đàng từ đó đến nay. Cũng từ đó, thảm kich đói cơm ăn áo mặc và không khí tự do thở hít, đã thường trực hằng hằng , làm cho người dân Miền Nam trơ xương mắt trắng, khi phải bó buộc chấp nhận, cái ưu việt của nền kinh tế quốc doanh, lấy hộ khẩu và sổ tem phiếu làm cơ bản, mà đảng mang từ Hà Nội vào, nói là để thay thế kinh tế tư bản của VNCH, chỉ có bóc lột xấu xa và phồn vinh giả tạo vì lệ thuộc vào Mỹ Nhật. Cũng vì quá sợ sự giàu mạnh, bình đẳng và tự chủ của chủ nghĩa cọng sản, nên người Việt cả nước, trong số này có rất nhiều thành phần từng đâm sau lưng người lính trận miền Nam, đã cùng cây cột đèn, liều chết vượt biển vượt biên,đi tìm tự do trong cái chết. Phong trào bỏ quê làng đất mẹ ra đi, trốn lánh sự kềm kẹp mang rơ của giặc Hồ, có một không hai trong lịch sử của nhân loại và Hồng-Lạc, đã đánh thức lương tâm mù lòa của thế giới, cũng như một số khoa bản-trí thức, học cho nhiều mà tim óc thì ù ù cạc cạc , nghĩ suy nông cạn, tuyên bồ hồ đồ, trước chiến cuộc Ðông Dương lần thứ ba (1945-1975), do đệ tam quốc tế Nga-Tàu khởi xướng.
Ðài kỷ niệm nạn đói năm Ất Dậu 1945
Năm 1945 Nhật Pháp và Việt Minh gây nên thảm nạn 2 triệu người chết đói từ Quảng Trị ra tới Miền Bắc VN. Tháng 4-1975, Cọng sản đệ tam quốc tế Hà Nội, lại gây nên cơn hồng thủy biển đông, mà mở màn từ những ngày di tản tại Huế, Ðà Nẳng.. vào đầu tháng 4-1975., khi Quân Ðoàn 1 mất, và kéo dài tới nay vẫn chưa chấm dứt nổi oan khiên trầm thống của một dân tộc, luôn bị khổ đau hờn hận, vì sự bán đứng của bọn cầm quyền mọi thời. Cái giá tự do mà người Việt tị nạn khắp nơi trên thế giới ngày nay đã có, là đã phải trả cho Việt Cộng bằng vàng, tiền, nước mắt, máu xương bản thân gia đình, cùng với những sự hãi hùng trên biển đông, khi đối diện với sóng gió và nạn hải tặc tàn bạo dã mang Thái Lan. Năm 1945 những người VN chết đói, chỉ mới có ăn cỏ cây xác động vật nhưng sau năm 1975, những người tị nạn VN trên biển Ðông, chết đói, đã phải ăn thịt người thân của mình. Ba mươi năm qua rồi, nay cũng đã đến lúc phải lột trần lịch sử, để trả lại sự oan khiên cho triệu triệu hồn ma uổng tử, đang sống vất vưởng trên vạn nẻo đường đất nước và trong lòng biển xanh mông mênh . Tất cả đều do VC gây ra từ năm 1930 tới bây giờ, những tội lỗi trong muôn ngàn tổi lỗi không sao dung thứ được.
Hưng thịnh và tồn vong của một triều đại, ngoài việc để cho nhân thế về sau viết nhớ, phê phán khen chê nhưng tội ác đối với dân tộc như chế độ phi nhân VC, chẳng những bị lịch sử bôi đen mà còn mãi mãi nằm trong bia miệng đay nghiến muôn đời :
“thằng khùng thì đã vượt biên
còn thằng ở lại, nửa điên nửa khùng
bác hồ chết giữa ngày trùng
để toàn dân tộc nửa khùng nửa điên “
1- Nạn Ðói Năm Ất Dậu 1945 :
Sau khi được Minh Trị Thiên Hoàng canh tân đất nước, Nhật đã trở thành một cường quốc Châu Á, đánh bại Mãn Thanh lẫn Nga Hoàng và nuôi mộng làm bá chủ Ðế Quốc Ðại Á. Từ đó Nhật bành trướng thế lực quân sự không ngừng. Thập niên 20-30, Nhật chiếm Cao Ly, Mãn Châu và Bán Ðảo Liêu Ðông. Tháng 7-1937, Nhật gây chiến với Trung Hoa và gần như chiếm trọn nước Tàu, đuổi Tưởng Giới Thạch và Chính phủ Trung Hoa kháng chiến chạy tới Trùng Khánh và bắt đầu dòm ngó Ðông Dương.
Tháng 2-1939 Nhật chiếm Ðảo Hải Nam, Hoàng Sa và Trường Sa, khiến Pháp phải cử tướng Georges Catroux làm Toàn Quyền Ðông Dương, để lo phòng thủ và chống đỡ. Cùng lúc Cường Ðể cũng từ Ðông Kinh về Thượng Hải, thành lập VN. Phục Quốc Ðồng Minh Hội, trong đó có Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lâm, Trần Trọng Khắc.. chuẩn bị trở về VN lật đổ thực dân Pháp.
Ngày 19-6-1940, Bộ Ngoại Giao Nhật gủi tối hậu thư , đòi Toàn Quyền Ðông Dương phải chấm dứt tiếp tế cho Chính phủ Kháng Chiến Trung Hoa ở Hoa Nam , đồng thời cho quân Nhật vào đóng tại Bắc Việt. Ngày 17-7-1940, Decoux thay Catroux làm Toàn Quyền, qua thái độ phách lối trong lúc đã yếu thế, tạo thêm cớ để Nhật tiến vào VN, Miên, Lào, nhất là lúc phe quân phiệt của Tướng Tojo Hideki diang nắm quyền.
Ngày 1-8-1940 Nhật công khai thiết lập Khối Thịnh Vượng Chung Ðại Ðông Á, bao gồm Ðông Dương thuộc Pháp và Ðông Ấn ( Indonesia ) thuộc Hòa Lan. Tóm lại chỉ vì quyền lợi, mà thực dân Pháp đã muối mặt ký với Nhật, một hiệp ước ngày 30-8-1940, theo đó Nhật cho Pháp làm chủ Ðông Dương và ngược lại Pháp hợp tác với Nhật, để chia se những quyền lợi trên, đồng thời để quân Nhật đóng tại Bắc Việt , cũng như được di chuyển khắp lãnh thổ Ðông Dương. Từ đó Nhật gia nhập Liên Minh Quân Sự với Ðức-Ý, đưa Quân Ðoàn Viễn Chinh Ðông Dương (Indoshina Hakengun ) , do Thiếu Tướng Nishimurs Takuma làm tư lệnh, vào đóng khắp Việt-Miên-Lào. Nói chung, suốt thời gian 1940-9/1945, trên danh nghĩa Nhật vẫn để cho Pháp coi về Hành Chánh, An Ninh mà thội, còn tất cả tự thao túng một mình một chợ, gây nên nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, khiến hơn hai triệu đồng bào phải chết tức tủi trong oan khiên , khổ nhục.
Ngày nay, qua các tài liệu lịch sử được giãi mật, cho thấy Nạn Ðói Năm Ất Dậu 1945 , do nhiều nguyên nhân gây ra từ Pháp-Nhật, Chiến Tranh, Thiên Tai và Bàn Tay đẫm máu của Việt Minh . Qua dòng lịch sử, ta biết Dân Tộc VN từ thời lập nước Văn Lang Vua Hùng đầu tiên, tới nay do lấy nông nghiệp làm căn bản, nên không bao giờ bị đói , nếu như đất nước không bị chiến tranh hay thiên tai bất thường.
Ðói là nguyên nhân gây chiến tranh và làm sụp đổ nhiều triều đại trên thế giới nhất là nước Tàu. Trong dòng Việt Sử , thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, vùng đất Bắc và Nam Bố Chánh, từ Thanh Nghệ vào tới Thuận Quảng, luôn là bãi chiến trường, khiến cho dân chúng phải hứng chịu nhiều đau khổ. Hơn nửa vùng này lại là trung tâm bảo tố thiên tai của VN, nên luôn luôn bị mất mùa đói kém. Từ năm 1774-1778, ở Nghệ An mất mùa khiến nhiều người phải chết đói, trong lúc đó tại Thuận Hóa tình hình cũng không khá gì hơn, vì thiên tại nên không đủ gạo. Vả lại dù có gạo nhưng giá bán quá mắc mõ, một chén tới một quan, nên dân chúng chết đói nằm la liệt ngoài đường. Thời nhà Nguyễn (1802-1945), cũng nhiều lần dân bị đói , vì cảnh loạn lạc, chiến tranh và nhất là bị thiên tai, hạn hán, nạn châu chấu phá hại mùa màng…. nhưng hầu hết chỉ có tính cách địa phương và được Triều đình giải quyết khắc phục được, chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng tát cả các lần đói trên, dù có căn cứ vào Việt Sử hay tài liệu của các nhà truyền giáo Pháp như La Bartette.thì chỉ là muối đem bỏ biển, trước mức độ thiệt hại trên 2 triệu người bị chết đói , từ Quảng Trị ra Miền Bắc vào năm Ất Dậu 1945.
Năm 1942 nhà văn tiền chiến nổi tiếng Tô Hoài, đã viết “Quê Người“ . Qua tác phẩm này, ta đã thấy được sự báo trước tai họa đói kém của miền quê Bắc Việt, thường cùng sống chung một nghề, để rồi cả làng tổng cùng chịu những tai biến như nhau khi bị hoạn nạn. Do hàng ế ẩm, mọi người phải nghĩ và đổ xô đi làm thuê, còn đồng lúa thì mất mùa, khiến gạo càng thêm kém .
Rồi thì nạn đói ập đến thật khủng khiếp, trong cảnh ngàn ngàn vạn vạn người khắp các nẻo đường đất Bắc vào tận Quảng Trị, Ðồng bào bị Thực dân Pháp lẫn Quân Phiệt Nhật, bóc lột tận xương tủy , khi quy vào đất ruộng mà thu thóc, không cần biết có làm ruộng hay không. Bởi vậy cả miền trung châu sông Hồng, vốn là cái vựa lúa toàn miền, cũng phải lâm vào cái cảnh không còn gạo để mà nấu. Túng quẩn, mọi người phải ăn gia súc, khoai sắn cây cỏ, chuột mèo và những gì có thể ăn được. Sau đó cả làng bỏ nhà cùng đi lần ra tỉnh thành và Hà Nội để xin ăn và cùng chết gục dần mòn trên đường hành khuất.
Ðó là một trong những trang vong quốc sử thời Pháp thuộc, từ lúc chúng sang cai trị cho tới khi bị đánh đuổi nhục nhã phải rời VN trở về cố quốc. Trong gần trăm năm cưỡng chiếm nước ta, thực dân ngoài việc bóc lột và đàn áp đồng bào mình, chúng còn dùng rượu, thuốc phiện, bài bạc và văn chương thi phú lãng mạn để ru ngũ, đầu độc mọi tầng lớp thanh niên nam nữ trụy lạc, vong bản để không còn chống đối giặc thù cướp nước.. Theo tài liệu của Toàn quyền Ðông Dương Decoux, ghi lai trong “ À la barre de L’indochine “, thì chỉ riêng thời gia từ tháng 10-1940 tới tháng 3-1945, thực dân Pháp đã cướp của VN số bạc lên tới 723 triệu đồng Ðông Dương, để dâng nạp cho Nhật Bổn, đánh đổi chủ quyền về Hành Chánh-An Ninh, tại Việt ốMiên-Lào. Từ năm 1943-1945, tuân theo lệnh Ðông Kinh, Pháp bắt nông dân phải nộp 3/4 hay nhiều hơn số thóc đã thu hoạch được hay nhiều hơn, số lượng đã gặt tại ruộng. Sự bóc lột tàn nhẫn quá đáng này, là nguyên nhân chính đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu 1945.
Trên tờ Thanh Nghị số 110 ngày 26-5-1945, Vũ Ðình Hòe đã viết bài “ GiáÀ thóc phải nộp cho nhà nước “, cho thấy Pháp lẩn Nhật, đã tận tuyệt vơ vét bóc lột nông dân VN lúc đó, để lập các kho dự trữ , phòng bị chiến tranh, khắp cả nước, từ Bắc vào Nam. Ðiều vô lý bất nhân của thảm kịch là Pháp Nhật đã “ quân phân “ số lương thu mua thóc, tới tất cả mọi người. Trong lúc đó, theo nguyên tắc, chính quyền Bảo Hộ chỉ nên thu mua gạo lúa của các đại điền chủ, có ruộng đất cò bay thẳng cánh, gạo thóc núi bồ, chờ mọt ăn trong khi đợi các chủ chành gạo Ba Tàu-Chợ Lớn tới chở về Sài Gòn và các tỉnh thị, đầu cơ tích trữ, bán lại cho dân nghèo bằng cái giá cắt cổ, theo qui định của bọn thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, đang làm trùm tại Ðông Dương lúc đó. Theo các nguồn sử liệu còn lưu trữ, thì thực dân Pháp lúc đó, chỉ cần thu mua lúa gạo, từ các điền chủ có số ruộng trên 13 mẫu, cũng dư sức lập kho dự trữ lúa gạo, theo ý chúng là 120.000 tấn, mà không cần phải vơ vét thu mua gạo thóc của các tiểu điền chủ, nông dân nghèo. Cuối cùng Pháp và Nhật, qua mưu đồ chính trị riêng, đã công khai đồng lõa với bọn nhà giàu, khi miễn trừ đem luật trừng phạt gian thương ( Requisitionner) của luật pháp hiện hành, để bắt đại điền chủ bán gạo cho nhà nước khi cần thiết. Một điều quan trọng khác, là Pháp-Nhật khi thu mua gạo lúc đó, đã không theo giá thị trường, mà lại áp dụng một thứ giá đặc biệt rất thấp, khiến cho đại đa số đồng bào VN, với 90 % sống bằng nghề làm ruộng, tức khắc bi thương tổn, vì thu hoạch không đủ bù vào tiền vốn cầy cấy, nên phải vơ vét hết gạo thóc để dành trong mùa sau, đem bán lấy tiền trả nợ hoặc sống qua ngày. Về lý thuyết thì giá gạo trên thị trường, năm 1943 đối với năm 1940 có tăng từ 11$50-14$50/1tạ, nhưng trong lúc đó vật giá, cũng đã tăng lên tới 300%, nên giá thóc phải được ấn định là 35$/1ta, còn gạo 75$/1tạ mới hợp lý, theo sinh hoạt giá cả năm 1943 đã tăng gấp 3 lần năm 1940.
Cũng liên quan tới thảm kịch chết đói năm 1945, một Pháp kiều ở VN đã viết “ Témoignages et documents Francais relatifs à la colonization Francais au VN “ , tố cáo sự kiện thực dân Pháp gây nên trận đói năm Ất Dậu, làm chết 2 triệu người từ Quảng Trị ra đất Bắc, chỉ nhằm hai mục đích chính, như Thống Sứ Bắc Kỳ lúc đó là Chauvet đã tự nhận : Bắt dân VN chết đói để nhận chìm phong trào cả nước đang nổi lên khắp nơi chống sự đô hộ của giặc Pháp, lúc đó bản quốc tại Âu Châu, cũng đang sống ô nhục dưới gót giầy sắt của Phát Xít Ðức. Gây nạn đói, khi cho phép các công ty Pháp-Nhật ( Cenis Frères và Mitsubishi ) độc quyền thu mua bốc lột gạo thóc với giá rẻ mạt, khiến cho dân chúng lâm vào đường cùng. Từ đó mới có nhiều người đi làm phu đồn điền cao su và hầm mỏ cho thực dân tại thuộc địa ở đảo Nouvelle Calédonie gần Úc Châu.
Một tác giả Nhật tên Yoshizawa Minami, trong tác phẩm “ Chiến tranh Châu Á , trong tiềm thức của chúng ta “ đã xác nhận là sự hiện diện của 80.000 quân Thiên Hoàng và hơn 200.000 Nhật Kiều từ năm 1940-1945, đã làm cho đất nước VN hỗn loạn cùng cực, khi Nhật lấy Ðông Dương làm vị trí then chốt, trong việc cung cấp lương thực, chẳng những cho quân Nhật đang chiến đấu tại đây, mà còn cả Châu Á và Thái Bình Dương. Ðây mới chính là nguyên nhân gây chết đói năm 1945.
Vì muốn duy trì quyền lợi tại Ðông Dương trong lúc yếu thế, thực dân Pháp qua toàn quyền Decoux, bất chấp thủ đoạn và lương tâm con người, đã bán đứng Dân Tộc cũng như Ðất nước VN cho quân phiệt Nhật, qua các hiệp ước bất bình đẳng , chỉ làm tổn hại cho VN, mà lợi cho cả Pháp và Nhật lúc đó, quan trọng nhất là sự Pháp càng lúc càng xuất cảng sang Nhật thêm nhiều lúa gạo,thực phẩm dành nuôi sống người trong nước. Ðể thực hiện cái kế hoạch lưu manh trên, từ tháng 12-1942, Decoux cho thành lâp Uỷ Ban Ngu$ Cốc ( Comité des Céréales), độc quyền cấp giấy phép cũng như mua bán các loại nhu yếu phẩm này. Ngoài ra Pháp còn ra lệnh cho nông dân cả nước phải dành một số đồng ruộng, trồng bông vải, day, gai, thầu dầu.. theo đòi hỏi của Nhật. Sự kiên trên đã làm cho đất đai miền Bắc và Bắc Trung Phần, vốn đã ít ỏi, lại càng bị thu hẹp hơn, đã khiến cho nông dân bình thường vốn chỉ đủ gạo để mà ăn nếu không bị thiên tai mất mùa, nay bị đói là điều không sao tránh được. Rồi giữa lúc nạn đói đã bắt đầu, dân chúng nông thôn phải ăn độn khoai sắn, thì Pháp lại ra lệnh dân chúng phải bán hết số thóc gạo dự trữ của mình, để chúng lâp kho quân lương, tại Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ.. từ tháng 3/1944-1945. Song song quân Nhật cũng lập kho dự trữ gạo dành cho Quân Ðoàn 38.
Trong lúc đó, tại Bắc Việt và vùng Thanh-Nghệ-Tỉnh-Bình, từ năm 1936-1945, không năm nào là không có bảo tố, lụt lội, khiến cho mùa màng bị hư hại vì ngập nước, làm cho nhiều gia đình quá nghèo, không đủ tiền mua gạo giá chợ đen, phải dắt díu nhau ra tỉnh thành xin ăn qua ngày. Rồi chiến tranh càng lúc càng ác liệt, sau khi Hoa Kỳ trực tiếp tham dự vào Thế Chiến 2, đối đầu với Nhật ở Châu Á. Tại Ðông Dương, từng giờ, tàu ngầm tàu chiến, máy bay Ðồng Minh, không ngớt oanh tạc tấn công các đơn vị Nhật trấn đóng tại VN, khiến cho mọi phương tiện chuyên chở, giao thông, từ Nam ra Bắc đều bị bế tắc. Tình trạng trên khiến cho gạo trong Nam chất đống như núi tại bến cảng, nhà kho, trong khi ngoài Bắc không có một hột, làm cho nhiều người lâm cảnh đói. Ngoài rat hay vì tận dụng số phương tiện còn lại thật ít ỏi, để chở gạo ra Bắc cứu dân đói nhưng Pháp và Nhật đã cùng chiếm lĩnh các phương tiện này, trong đó có xe lửa, để chuyển quân đội và quân trang dụng mà thôi.
2. Chính Phủ Trần Trọng Kim cứu đói và Việt Minh lợi dụng nạn đói để cướp chính quyền :
Ngày 9-3-1945 quân phiệt Nhật chính thức xóa bỏ sự cầm quyền của thực dân Pháp tại bán đảo Ðông Dương, kéo dài hơn 80 năm thống trị và đô hộ các quốc gia Việt Miên Lào.
Biến cố lịch sử trọng đại này, lại ngẫu nhiên trùng hợp với nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại miền Bắc và bắc Trung Kỳ, càng tô thêm sự bi thảm của Dân Tộc VN, trong thời kỳ cận sử . Nhưng đây cũng chính là thời cơ, để cho Mặt Trận Việt Minh, một tổ chức ngoại vi của đảng cọng sản Ðông Dương, do Hồ Chí Minh cầm đầu từ năm 1941, lợi dụng tình trạng đói kém của đồng bào để mà tuyên truyền lôi kéo mọi người vào đảng :
“Ðồng bào hãy vùng dậy !
quyết tâm theo bác hồ
nông dân sẽ có đất
người nghèo sẽ có ăn
gạo lúa sẽ đầy sân
đả đảo địa chủ
đả đảo cường hào ác bá“
Nương theo thời cơ và sự giúp đỡ của Mỹ, do nhu cầu tình báo lúc đó, Việt Minh đã trương bảng hiệu “ Chống phát xít Nhật và thực dân Pháp “.Theo các tài liệu mật được giải mã, thì chính sự giúp đỡ của Ðại Uý Archimede L.Patti, một nhân viên OSS (tiền thân của CIA), qua vũ khí đạn dược, thuốc men cũng như sự công nhận của Mỹ, làm cho Việt Minh, chẳng những không bị Nhật tiêu diệt và còn có cơ hội cướp được chính quyền vào mùa thu tháng tám năm 1945, trong lúc cả Hoa Kỳ lẫn Patti đều biết Hồ Chí Minh là một điệp viên ngoại hạng của Ðệ Tam Cọng Sản Quốc Tế, làm việc cho điện Câm Linh (Liên Xô và Trung Cộng).
Sau ngày 9-3-1945 Nhật lật đổ thực dân Pháp, thì phong trào quốc gia ngày một sôi sục và dâng cao khắp nước, khiến cho Người Nhật lúc đó phải ủng hộ vai trò cầm quyền của vua Bảo Ðại, để đối kháng với Mặt trận Việt Minh, được người Mỹ giúp đỡ, trong vai trò chống Nhật. Ngày 17-3-1945 Hoàng Ðế tuyên cáo nước VN độc lập, dù chỉ liên quan tới Bắc và Trung Kỳ, đồng thời với sự ra đời của Chính Phủ Trần Trọng Kim (17/4/1945-25-8-1945).
Tuy Chính phủ này chỉ hiện diện trên chính trường VN một thời gian ngắn ngủi và trong quá khứ đã không ngớt bị VC xuyên tạc bôi bác là “ Cải Cách Giấy “.Nhưng nay qua sự soi sáng của lịch sử, ta mới biết được Thủ tướng Kim và nội các chính phủ, đã làm được rất nhiều chuyện có lợi ích cho quốc dân VN, đồng thời đã phản ảnh được quan điểm chung của tầng lớp thương lưu trí thức đương thời. Ngày 4-5-1945, chính phủ quyết định lấy lại quốc hiệu Việt Nam, để chỉ sự vẹn toàn lãnh thổ ba miền Bắc-Trung-Nam như năm 1801 khi vua Gia Long thống nhất được đất nước. Việc làm ý nghĩa này, tức khắc được quốc dân cũng nhu cả thế giới chấp nhân. Cũng từ đó nhân loại dùng danh từ “ Vietnamese “ để chỉ người VN và loại bỏ các danh xưng của Pháp trước tháng 3-1945 với ác ý phân chia đất nước chúng ta thành ba miền riêng biệt để cai trị. Ngày 2-6-1945 chính phủ đã chọn lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ, theo hình Quẻ Ly , làm Quốc Kỳ Mới của Quốc Gia VN. Ðồng thời vào ngày 30-6-1945, lại chọn bài “Ðăng Ðàn Cung“ làm Quốc Thiều.
Giữa lúc đất nước hỗn loạn vì chiến tranh, cộng thêm nạn đói hoành hành và trên hết là sự chống phá của phe nhóm thưc dân Pháp theo DeGaulle và Việt Minh được Mỹ yểm trợ, trong khi Chính Phủ Trần Trọng Kim không có quân đội và phương tiện, để thực thi những quốc sách. Tuy nhiên nhờ uy tín và tài năng từ vị Thủ Tướng, cũng như nhiều Bộ Trưởng trong nội các, nên vào tháng 7-1945 Nhật trên nguyên tắc, đồng ý trao trả Nam Việt lại VN.
Ðối với Nạn Ðói năm Ất Dậu 1945, tuy phương tiện và nhân lực rất hạn chế, Chính Phủ Kim cũng đã dồn hết nỗ lực để cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Một mặt Ông yêu cầu Nhật bỏ lệ thu mua gạo tại Miền Trung, đồng thời Miền Bắc chỉ thu mua gạo cho ai có trên 3 mẫu ruộng. Bộ trưởng Tiếp tế là Nguyễn Hữu Thí cũng được cử vào Sài Gòn , lo việc chuyên chở gạo Miền Nam ra Bắc cứu đói, bằng các chuyến thuyền buồm và ghe bầu. Ngoài ra còn cho phép các tư nhân được tự do và toàn quyền mua bán gạo, nhưng nghiêm trị những gian thương, đầu cơ tích trữ lúa gạo bằng hình luật tử hình và tịch biên tài sản. Chính phủ cũng cho tập trung tất cả những nạn nhân vụ đói còn sống sót, cũng như thành phần vô gia cư, vào các Trung Tâm Cứu Trợ Ðặc Biệt , để chăm sóc họ. Báo chí trong nước đều tham gia kêu gọi cưu trợ. Nhờ vậy đến cuối tháng 3-1945 , miền Bắc đã thành lập được Tổng Hội Cứu Tế , do Nguyễn Văn Tố cầm đầu và tới cuối tháng 5-1945 đã quyên góp được 783.403 đồng tiền Ðông Dương. Ở Nam Kỳ , qua lời kêu gọi của Chính Phủ Kim, chỉ trong tháng 5-1945, đã quyên góp được 1.677.886 đồng, cùng 1.592 tạ gạo, mà tiền mua và chuyên chở ra Bắc tốn hết 481.403 đồng. Tuy hầu hết các ghe bầu chạy buồm bị Nhật trưng dụng và Hải cảng Hải Phòng bị Hoa Kỳ phong tỏa và oang tạc, nhưng cuối cùng việc chuyển gạo từ Nam ra Bắc cứu đói của Chính Phủ Trần Trọng Kim, cũng đạt được hiệu quả, giảm bớt phần nào thảm trạng đau khổ của nạn nhân, đồng thời tạo cơ hội cho đồng bào cả nước, nhất là giới trẻ và trí thức , đoàn kết nhau trong các sinh hoạt xã hội..
Nhưng hỡi ơi lòng tham của con người thật là tàn nhẫn, trong lúc Chính Phủ banh ruột xẻ gan để cứu trợ hơn hai triệu người bị chết đói, bỏ xác phơi thây khắp cc nẻo đường, thì Việt Minh bằng mọi cách, phá hoại các công tác nhân đạo, cứu trợ đồng bào. Một mặt thì cho du kích chận đường cướp gạo cứu tế từ trong Nam ra, nơi đường biển lẫn đường bộ. Nhưng quan trọng nhất là Việt Minh không ngớt xúi dục đồng bào, đánh phá cướp giựt các kho vựa chứa gạo lúa của Chính Phủ, dành tiếp tế cứu đói. Ngoài ra Việt Minh còn cho người ám sát hay tuyên truyền bôi nhọ, những nhân vật cầm đầu các Hội Từ Thiện. Nhưng tàn ác vô nhân đạo nhất, vẫn là cung cấp tin tình báo cho Hoa Kỳ về ngày giờ các chuyến xe lửa hay ghe bầu chở gạo, trong Nam ra Bắc cứu đói. Nhỡ vậy Người Mỹ đã đạt được chiến thắng vinh quang, khi oanh tạc trúng phóc những chuyến tàu thuyền chở gạo cứu đói, làm cho Miền Bắc phải lâm vào thảm kịch Chết đói năm Ất Dậu , có một không hai trong Việt Sử. Tóm lại nhờ sự tận tâm vô bờ của Chính Phủ, đồng thời do Trời Phật thương xót nên trong vụ lúa tháng 5-1945, Miền bắc được mùa, nên đã giải quyết phần nào nạn đói và chấm dứt hẳn, khi các tàu chở gạo trong Nam cấp được các bến trên đất Bắc. Ngày 25-8-1945 chính quyền Nhật tại Ðông Dương, coi như bị sụp đổ khi Mỹ dội hai trái bom nguyên tử trên Ðất Nhật, kéo theo sự tan vỡ của người Quốc Gia. Trong lúc đó, Việt Minh từ bưng tiến về Thành, qua sự yểm trợ hùng hậu của người Mỹ, nên đã thừa lúc dâu đổ bìm leo, cướp được chính quyền lúc đó, đang lăn lóc bên vệ đường trong cơn hỗn loạn chính trị.
Tóm lại trong nạn đói năm Ất Dậu 1945, làm chết đói hơn 2 triệu người, do Pháp và Nhật gây nên. Ngoài ra còn có Mặt Trận Việt Minh, đã thừa nước đục thả câu, lợi dụng nạn đói, cướp giựt thực phẩm tiếp tế dành cho đồng bào, để tuyên truyền chống Pháp-Nhật, theo nhu cầu của người Mỹ lúc đó, khiến cho người dân chết đói càng thêm bi thảm tận tuyệt.
Thế chiến 2 chấm dứt, bao nhiêu thảm kịch của nhân loại lần lượt được phơi bày ra ánh sáng công lý nhưng thảm kịch hai triệu người VN bị chết đói năm Ất Dậu 1945, vẫn chưa thấy Pháp, Nhật hay Việt Cộng nhắc tới. Thời VNCH, người Nhật bồi thường chiến tranh 39 triệu US, đồng thời cho Chính phủ vay tiền xây dựng hệ thống thủy diện Ða Nhim, nên vụ chết đói 1945 coi như được xóa sổ. Sau 1975 VC cưỡng đoạt và trùm cả nước, sống nhờ tiền Nhật đầu tư cũng như giúp tiền xây dựng Cầu Sông Hậu tại Cần Thơ, thực hiện từ năm 2001, nên VC cũng câm họng, ngậm miệng ăn tiền. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, nếu Người Trung Hoa và Triều Tiên , chỉ vì một thiểu số đàn bà con gái bị Nhật bắt làm trợ lý, mà không ngớt đòi bồi thường hay hạ nhục nước Nhật trên công luận quốc tế, thì người VN sớm muộn, cũng sẽ bắt Pháp ốNhật và kẻ tòng phạm mang mặt nạ là Việt Minh, phải công khai nhận trách nhiệm giết người, trước lương tâm nhân loại.
3. Những ngày trơ xương mắt trắng tại Miền NamVN sau tháng 5-1975 :
Sau khi VNCH bị sụp đổ, ngoài thành phần Quân,Công, Cán, Cảnh của Miền Nam bị trả thù, cọng sản Hà Nội còn tận tuyệt hủy diệt các tầng lớp tư sản qua tội danh bóc lột, phồn vinh giả tạo.. Tại Ðại Hội đảng lần thứ IV vào tháng 5-1975, Lê Duẩn đã vênh váo tuyên bố rằng, từ nay người VN sẽ đi trên thảm vàng, đồng thời đuổi kịp rồi qua mặt Nhật Bản trong vòng 15 năm tới. Trên thực tế ai cũng biết trước tháng 4-1975, Bắc Việt chỉ có hai công trình vĩ đại nhất là Lăng Hồ Chí Minh tại Ba Ðình Hà Nội và Khách sạn quốc tế trên bờ Hồ Tây, do Fidel Castro của Cu Ba xây tặng. Trong lúc đó tại VNCH, đâu đâu cũng có những cơ sở kỹ nghệ nặng và nhẹ, đều được trang bị máy móc mới và tối tân, nhất là các ngành dệt, điện, lắp ráp các loại hàng sản xuất tiêu thụ. Khi VC vào, đã tận tình vơ vét máy móc đem về Bắc, bắt nhiều nhà máy ngưng hoạt động hay biến thành quốc doanh, hữu danh vô thực.
Song song với kế hoạch trả thù và tận diệt các tầng lớp trên, VC còn bày thêm quốc sách kinh tế mới vào cuối năm 1975, để đuổi hết số gia đình có liên hệ tới chế độ VNCH, đang sống tại Sài Gòn và các tỉnh thành, đi lao động canh tác tại rừng sâu, núi cao, ma thiêng nước độc. Kế hoạch thâm độc này, vừa tống khứ được những thành phần còn lại mà VC đã xếp loại nguy hiểm, sau khi chồng con thân nhân của họ đã bi đảng gạt vào tù. Ngoài ra có như vậy, VC mới chiếm được nhà cửa ruộng vườn và các tiện nghi của Miền Nam, để phân phối cho cán bộ miền Bắc, lúc đó chỉ có súng đạn, tăng pháo và mớ lý thuyết của Mác-Lê-Mao-Hồ mà thôi.
Ai đã từng là tù nhân của VC dù có ở trong Nam hay được đưa ra miền Bắc, dù bị nhốt lâu hay mau, chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ quên nổi những đau đớn về vật chất và nhất là sự tủi nhục tinh thần, khi bị bọn VC gọi chúng ta là ngụy quân, ngụy quyền, là những đống rác bẩn thỉu, cặn bã của xã hội, đánh giặc thuê cho Mỹ, Pháp, Nhật..
Ai đã từng bị VC cướp của, cướp nhà, đày đoạ lên tận miền rừng núi để phát triển kinh tế mới. Ða số đã ngã quỵ vì không chịu nổi mưa nắng, cùng cảnh ma thiêng nước độc, bệnh sốt rét rừng, ghẻ lở, kiết lỵ.. mà không có thuốc uống. Cuối cùng những người còn sống, kiệt sức vì đói bệnh, nên đã bỏ rừng chạy ngược về thành. Họ đã trở nên vô gia cư và ở bất cừ nơi nào, kể cả nghĩa địa, gầm cầu, chùa miễu.. ăn sống, phó mặc cho định mệnh và bọn công an, tới hốt bắt, đưa lên lại vùng kinh tế mới, rồi họ lại về.Rốt cục huề cả làng, và càng ngày càng có nhiều người vô gia cư sống khắp mọi nẻo đường đất nước, trong xã nghĩa thiên đường.
Ðầu tháng 4-1975, Người Mỷ đã bắt đầu chạy khỏi Nam VN bằng chuyến bay định mệnh, đưa 250 trẻ mồ côi và 37 nhân viên của Dao đi theo săn sóc. Nhưng chiếc C5 đó đã bị tai nạn, chỉ còn 175 em sống sót với một số người lớn may mắn. Tai nạn này đã báo trước những thảm kịch sắp tới cho làn sóng người bỏ nước ra đi vì không muốn sống chung với rợ Hồ, giết người cướp của.
Ngày 15-4-1975, thượng viên Hoa Kỳ thông qua đạo luật, cho phép 200.000 dân tị nạn Ðông Dương, được vào sống trên đất Mỹ. Song song, chính phủ Mỹ cũng mở chién dịch Frequent Wind tại Sài Gòn, để di tản các công dân Mỹ và 17.000 người Việt có liên hệ. Máu lệ và thảm kịch VN đã khơi nguồn từ đó, vào những ngày cuối tháng 4-1975, khi ngàn ngàn vạn vạn người với đủ mọi phương tiện, tiến ra biển Ðông, để mong được Ðệ Thất Hạm Ðội cứu vớt những chỉ tới ngày 2-5-1975 thì chấm dứt. Tóm lại từ tháng 5-1975 tới bây giờ, người Việt bỏ nước ra đi để tìm tự do và đất sống, hoàn toàn chấp nhận may rủi “ một sống chín chết “, trong hoàn cảnh bơ vơ tự cứu. Do trên hầu hết những người đến được bờ đất hứa, đã phải trả một giá thật đắt, trong đó một dạo có hằng trăm ngàn câu chuyện, bi thảm não nùng của thuyền nhân VN, bị HẢI TẶC THÁI LAN cướp giết, trôi giạt vào hoang đảo và đã ĂN THỊT NGƯỜI lẫn nhau để mà sống.
Sau khi cưỡng chiếm xong VN, đảng Hồ và đảng Mao trở mặt, nên VC đã quy tội cho Ba Tàu Sài Gòn-Chợ Lớn là mối đe dọa, rồi đòi Trung Cộng phải qua hốt hết 1,2 triệu người Việt gốc Hoa về nước. Sự kiện được Tàu Cộng chấp nhận, phái hai chiến hạm tới các hải cảng VN để nhận người. Nhưng đến cho có mặt, chứ Tàu Cộng đâu có ngu, lãnh đám dân nghèo này về nước đê nuôi ăn, vì vậy nửa đêm nhổ neo rút cầu, âm thầm về nước. Sáng ngày 24-3-1978 trên khắp các nẻo đường Sai Gòn-Chợ Lớn, bổng xuất hiện rất nhiều xe vận tải, chở công an, bộ đội và hằng ngàn thanh niên nam nữ đeo băng đỏ trên tay áo. Theo đài phát thanh của VC thông báo, thì đây là chiến dịch “Ðánh Tư Bản ố Diệt Thương Gia“.Trước đây vào sáng ngày 20-3-1978, tại Chợ Lớn, cũng đã có một cuộc xô xát, giữa trăm người Hoa và công An VC ph3n đối bắt bắt lính, bắt đi kinh tế mới và đòi được trở về Tàu, sống với Trung Cộng. Nhưng lần này, cuộc bố ráp qui mô không phải để bắt người Hoa chống đối hôm trước, mà là xộc vào từng nhà,cùng các cửa tiệm, để kiếm tiền đôla và vàng cất dấu, cũng như kiểm kê tất cả hàng hóa kể cả cây chổi, ngoại trừ hình “bác“ và lá cờ “đảng“, máu đỏ sao vàng. Nghe nói lần đó, đảng đã hốt của Người Hoa gần 7 tấn vàng và cả mấy bao tiền đô Mỹ, khiến cho mấy chục người uất hận phải tự tử chết. Vậy là đảng đã ba bước nhảy vọt, chiến thắng tư bản chủ nghĩa, bước lên thiên đàng xã nghĩa ưu việt. Cũng từ đó đã có trên 250.000 Hoa phải bỏ nước ra đi và theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn năm 1983, trong số này có trên 50.000 đã chết trên biển vì sóng gío và hải tặc Thái Lan.
Sau ngày 30-4-1975 khi Miền Nam bị VC Hà Nội cưởng chiếm, thì Biển Ðông đã trở thành cửa ngỏ để đồng bào vượt thoát tìm tự do. Nhưng đồng thời biển cũng đã biến thành hỏa ngục và trên hết, đảng VC đã thưc hiện được công trình vĩ đại nhất trong Việt Sử. Ðó là KỸ NGHỆ XUẤT CẢNG NGƯỜI, từ cho thuyền nhân vượt biển chính thức, tới các chương trình ra đi có trật tự (ODP), hồi hương con Mỹ Lai và Mua Vợ Bán Chồng giả. Tất cả các nghiệp vụ trên, đều giúp cho tập thể lãnh đạo đảng giàu to nhờ thu vào được nhiều vàng, tính tới cuối năm 1989, đảng thu vào chừng 3.000 triệu mỹ kim, con số nhìn vào thấy rởn tóc gáy nhưng lại là sự thật. Bởi vậy đâu có ngạc nhiên, khi biết xã nghĩa VN, là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, lại có nhiều tỷ phú đứng hàng đầu nhân loại.
Theo sử liệu thì năm 1978 là năm VC chính thức trục xuất người Hoa ra biển. Ðây cũng là thời gian đảng xuất cảng người nhiều nhất, mà theo thống kê của Cao Uỷ Tị Nạn, số người tạm trú tại các Trại khắp Ðông Nam Á, lên tới 292.315 người. Cũng theo tài liệu của Hồng Thập Tự Quốc Tế, thì từ năm 1977-1983 đã có khoảng 290.000 người đã chết hay mất tích trên biển Ðông.
Ngày 15-1-1990 khi mà Mỹ chuẩn bị bãi bỏ lệnh cấm vận và lập bang giao với VC, thì tại vùng biển Nakhon Si Thammarat, có 11 thi thể PHỤ NỮ VIỆT NAM, tất cả đều trần tuồng thê thảm, trôi tắp vào bờ. Theo Thiếu tá cảnh sát Thái Chumphol, người có trách nhiệm lập biên bản khám nghiệm, cho báo chí biết, thì tất cả các nạn nhân, có tuổi từ 18-20. Họ bị giết sau khi bị hải tặc Thái Lan hãm bức nhiều làn. Ðây cũng chỉ là một trong ngàn muôn thảm kịch máu lệ của thân phận VN, từ khi VC cưỡng chiếm được đất nước. Ðã có hằng triệu người chết lòng biển, khi tìm tới những địa danh Songkla, Pulau Tanga, Pulau Bidong, Galang.. Có nhiều cái chết của thuyền nhân thật tức tưởi và oan khiên, mà không bút mực nào viết cho nổi, chẳng hạn như Tàu của Chủ Khách Sạn “ Lộc Hotel “ ở An Ðông, chở trên 500 người, đi bán chính thức nhưng khi tới Gò Công thì bị gài bom nổ, chết sạch chỉ có tài công và 3 người may mắn sống sót. Tàu Lập Xương di bán chính thức ngày 22-1-1979, chở 200 người, cũng bị gài bom nổ ngoài biển, chỉ còn một vài người may mắn sống sót được Tàu Panama cứu đem vào trại Tị Nạn. Ðây cũng chỉ là một vài chuyện nhỏ trong ngàn muôn thảm kịch mà thuyền nhân, đã chịu từ khi phong trào vượt biển bùng nổ vào đầu năm 1977-1989.
Người vượt biển tìm tự do, ngoài sóng gió bão tố bất thường không biết trước, còn chịu thêm cảnh săn đuổi của công an, bộ đội biên phòng và ghe tàu đánh cá quốc doanh có trang bị súng máy và súng cá nhân. Nhưng hãi hùng nhất vẫn là Nạn Hải Tặc Thái Lan. Bọn này rất hung ác, tàn bạo, sau khi chận bắt thuyền vượt biển, chúng cướp giựt hết tất cả tài sản, đánh đập mọi người, hãm hiếp phụ nữ và bắn bỏ những ai muốn trố. Sau đó để phi tang, chúng đốt thuyền cho chìm, giết hết đàn ông và bắt đem theo phụ nữ, hành lạc cho tàn tạ và đem về đất liền bán cho các động đĩ.
Câu chuyện của một chiếc tàu vượt biển lênh đênh sau 32 ngày bị hải tặc Thái Lan đánh cướp, chỉ còn có 52 người sống sót, thì gặp được Chiến Hạm USN.Dubuque, do Ðại Tá Alexander chỉ huy, nhưng bị từ chối không cứu vớt, khiến cho số người trên chết gần hết. Những người sống sót phải ăn thịt bạn bè để cầu sinh. Viên Ðại Tá Mỹ vô nhân đạo trên, bị Bộ Hải Quân Mỹ lột chức và truy tố ra Tòa Quân Sự
Cũng do hằng ngàn câu chuyện đứt ruột của người vượt biển tìm tự do, mà nhân loại ngày nay có thêm một danh từ độc đáo “ Boat People “, giống như trước kia người Do Thái, qua cuộc hành trình tìm đường về đất hứa, cũng đã làm nảy sinh danh từ “ Holocaust “.Tuy nhiên, nếu đem so sánh, kể cả chuyện người Do Thái bị Ðức Quốc Xã tàn sát trong thế chiến 2, thì thảm kịch vượt biển của người VN trên biển Ðông, vẫn bi đát hơn nhiều.
Năm 1945, VC núp trong Mặt Trận Việt Minh, lợi dụng nạn đói năm Ất Dậu, để tuyên truyền và cướp chính quyền từ trong tay người Quốc Gia, nhờ vào súng đạn của người Mỹ. Từ năm 1955-1975 VC gây nên cuộc chiến Ðông Dương lần thứ hai, và đã cưỡng chiếm được VNCH, nhờ Nixon-Kissinger dàn dựng lên Hiệp định ngưng bắn 1973, hợp thức hóa sự chiếm đóng của cọng sản Hà Nội trên lãnh thổ Miền Nam. Ngày nay, VC lại đem tình thương nhớ quê hương VN ra khuyến dụ người tị nạn, mong mọi người hòa hợp hòa giải, xóa bỏ hận nước thù nhà. Nhưng VC đã lầm, cho dù đã có nhiều người tị nạn trở về VN nhưng thực tế hầu hết chỉ vì gia đình. Sau đó ai cũng quay lại miền đất tự do, để chờ một ngày chính thức được theo sau gót voi của Quang Trung Ðại Ðế về giải phóng Thủ Ðo Sài Gòn-Huế-Hà Nội. Ngày đó chắc không xa, vì hiện nay cả nước đều biết chế độ cọng sản đã sụp đổ toàn diện, từ ý thức hệ, lãnh đạo, kể cả huyền thoại Hồ Chí Minh, cho tới đời sống tinh thần, kinh tế, xã hôi. Chính sự xét lại của đảng, đã minh chứng sự sụp đổ trên.
Bổng thấy thấm thía vô cùng, khi nhớ lại câu nói của nhà cách mạng vĩ đại trong thế kỷ XX là Phan Bội Châu “ Tòng Lai Quốc Dân Sở Dĩ Suy Ðồi, Chỉ vì Hai Nguyên Nhân : BỤNG ÐÓI VÀ ÓC ÐÓI “ . Từ năm 1930-2005, cọng sản VN đã đấu tranh đẫm máu, giết hại triệu triệu người, cũng chỉ muốn đạt cho được mục đích là đưa Dân Tộc vào con đường cách mạng vô sản, bằng thống trị ngục tù, bằng gầy mòn đói khát., bằng áp chế dối gian. Nhưng tất cả ngày nay đã trở thành những chiếc đinh rỉ, đóng cứng chiếc quan tài đỏ, trong đó có chứa bao triệu oan hồn VN,kể cả những người đã chết đói năm Ất Dậu 1945,những người sinh bắc tử nam, những thuyền nhân chết trên biển. Tất cả là những nhân chứng, bia miệng ngàn đời bôi đen VC trong dòng sử dân tộc. /-
Xóm Cồn 11-1-05
HỒ ÐINH

NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU (1945)
(Trích sách: Án tích Cộng Sản Việt Nam) 4.- VIỆT MINH LỢI DỤNG NẠN ĐÓI
Vào đầu năm 1941, Hồ Chí Minh từ Trung Hoa về nước, đặt căn cứ ở hang Pắc Bó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ông tổ chức hội nghị Trung ương đảng Cộng Sản Đông Dương lần thứ 8 (tháng 5-1941), đặt Trường Chinh Đặng Xuân Khu lên làm tổng bí thư. Hội nghị nầy đưa ra hai quyết định chính là: hợp thức hoá Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, và đề ra kế hoạch phát triển đảng. Việt Minh thành lập những chiến khu, những vùng tự trị, và tổ chức du kích quân. Từ năm 1943, Việt Minh hô hào nông dân nổi lên chống sưu thuế, chống việc cưỡng bách trưng mua lúa gạo, và chống lệnh chuyển đổi đất trồng từ cây nông nghiệp qua cây kỹ nghệ của người Pháp.
Nạn đói xảy ra là cơ hội thuận lợi cho Việt Minh tuyên truyền, lôi cuốn quần chúng. Việt Minh lên án chính quyền Pháp Nhật là tác nhân gây ra nạn đói. Họ xúi dân lăng nhục những viên chức chính quyền lo việc cứu tế, và xúi dân chống đối việc trưng mua lúa gạo. Khi biết được Đức đã đầu hàng Đồng Minh vào tháng 5- 1945 và Nhật sửa soạn đầu hàng vào tháng 8-1945, Việt Minh lại xúi dân đánh phá các kho lúa. Trong cơn nghèo đói túng quẫn, có người bày cho phương cách kiếm gạo để ăn, nên dân chúng hưởng ứng khá đông. Việt Minh biết được tin tức thất bại và đầu hàng của các nước Đức, Nhật Bản là nhờ thông tin của tình báo Cộâng sản Quốc tế, cũng như nhờ làm việc với cơ quan tình báo OSS (Office of Strategic Services, tiền thân của CIA hay Central Intelligence Agency) của Hoa Kỳ.
Bề ngoài Việt Minh lợi dụng nạn đói để tuyên truyền khuynh đảo, bên trong du kích Việt Minh âm thầm chận bắt những chuyến xe hay những chuyến ghe chở gạo từ miền Nam ra, rồi Việt Minh đem tiếp tế cho những mật khu của họ. Những đoàn xe tiếp tế hay những đoàn ghe chở gạo nào mà Việt Minh không thể chận cướp được để đem lên mật khu, thì Việt Minh cung cấp tin tức cho phe Đồng Minh dùng máy bay bắn phá, nhất là những vị trí chứa gạo của Nhật. Đường giao thông khó khăn đến nổi chính phủ Trần Trọng Kim phải dùng xe đạp đề chuyển công văn. Hành động của Việt Minh làm cho việc tiếp tế gạo từ Nam ra Bắc càng trở nên khó khăn. Từ đó, nạn đói càng trầm trọng. Nạn đói càng trầm trọng thì Việt Minh càng dễ hoạt động tuyên truyền, kích động quần chúng. Nói theo ngạn ngữ dân gian Việt Nam, Việt Minh đúng là “vừa ăn cướp vừa la làng”. Nhờ thế, thế lực Việt Minh ngày một vững mạnh ở khắp các vùng rừng núi và nông thôn vùng đông bắc Bắc Việt. Đây là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao Việt Minh cướp được chính quyền nhanh chóng vào mùa thu năm 1945 tại Hà Nội.
Dưới thời Pháp và Nhật, Việt Minh lợi dụng nạn đói để tuyên truyền chống chính phủ nhắm cướp được chính quyền. Sau khi cướp chính quyền và thành lập chính phủ ngày 2-9-1945, Việt Minh hô hào rằng nạn đói cũng là một kẻ thù nguy hiểm như nạn ngoại xâm, và đưa ra khẩu hiệu: “Không một tấc đất bỏ hoang, không một cánh tay vô dụng”. Họ khuyến khích dân chúng tận lực canh tác các loại cây thực phẩm. Trong khi đó, sau ngày 2-9-1945, Việt Minh cộng sản tịch thu toàn bộ tiền bạc của các quỹ cứu đói trên toàn quốc, nghĩa là cướp lấy tài sản của những người đang đói, do những người hằng tâm giúp đỡ.
Lúc đó, thời tiết còn bất lợi. Vụ thu đông 1945 không khả quan, nhưng cuối cùng nạn đói ở Bắc Việt dần dần cũng qua đi vào giữa năm 1946, không phải nhờ tài ba lãnh đạo của Việt Minh, nhưng nhờ các sự kiện chính sau đây: (1) Nhật Bản đã đầu hàng Đồng minh, Việt Nam không còn phải xuất cảng gạo sang Nhật Bản, nông gia không còn bị bắt buộc bán gạo; (2) Đồng minh không còn bắn phá các trục lộ giao thông ở Việt Nam; xe cộ, tàu bè được tự do chuyên chở lúa gạo từ Nam ra Bắc khá đầy đủ; (3) Dân số Bắc Việt giảm rõ rệt vì ngoài số người đã chết đói, một số lớn khác đã di cư vào Nam lập nghiệp.
Nạn đói năm 1945 là nạn đói kinh hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam. Cùng trong thời gian nầy, tại Nhật Bản, quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống thành phố Hiroshima ngày 6-8-1945 đã giết chết 130,000 người, và quả bom thứ nhì xuống Nagasaki ngày 9-8-1945, giết chết 75,000 người. Số tử vong của cả hai vụ nổ bom nguyên tử lên khoảng trên 200,000 người. So với số người chết trong nạn đói 1945 ở Việt Nam, con số đó mới chỉ bằng một phần năm nếu theo thống kê của David G. Marr, và chỉ bằng một phần mười nếu theo các tài liệu khác.
Điều đáng nhấn mạnh ở đây là nguyên nhân gây ra nạn đói để đưa đến số tử vong cao như vậy. Trước đây, các nạn đói chỉ do thiên tai hay do chiến tranh, không có tính cách cố ý của nhà cầm quyền. Đàng nầy, nạn đói năm 1945 do con người tạo ra cho con người.
Thứ nhất, nước Pháp đang bị khốn đốn trong thế chiến thứ nhì ở Âu châu, nên nhà cầm quyền Pháp cố tình đẩy dân Việt đến chỗ đói rách cùng cực để người dân chỉ phải lo đến miếng ăn hằng ngày, không còn sức đối kháng và cũng không có thời gian lo chuyện đối kháng.
Thứ nhì, người Nhật đang bành trướng xâm lăng, với một đạo quân khổng lồ tại các nước Đông Á, nên Nhật cần lương thực nuôi quân. Chính quyền Pháp ở Đông Dương, cùng với đế quốc Nhật đã giành giựt thẳng tay không thương tiếc sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, lại còn buộc nông dân phải bỏ bớt việc trồng cây thực phẩm để quay qua trồng cây kỹ nghệ, làm cho thực phẩm trong nước khan hiếm cực độ, khiến cho nông dân đói khổ chết dần chết mòn. Dù biết chính sách bóc lột của họ làm cho dân chúng Việt Nam điêu đứng, người Pháp cũng như người Nhật vẫn làm ngơ, và tiếp tục áp dụng chính sách tàn bạo đó.
Thứ ba, bên cạnh đó, Mặt trận Việt Minh khai thác nạn đói, thừa nước đục thả câu, vừa để tuyên tuyền, vừa để giành lấy thực phẩm của dân, làm cho nạn đói thêm trầm trọng. Việt Minh bất chấp sinh mạng của người dân, tìm tất cả các cách để thủ lợi cho đảng Cộng Sản trong khi dân chúng chết đói. Việt Minh vừa xúi dân chống việc bán lúa gạo để lấy lòng dân, vừa tổ chức ăn cướp để đem vào mật khu nuôi cán bộ cộng sản, vừa cung cấp tin tức tình báo cho Đồng Minh bắn phá gây cản trở việc chuyên chở lúa gạo cứu dân. Những hành động của Việt Minh đã làm rối loạn tình hình cứu tế, và làm cho nạn đói thêm trầm trọng.
Hai nhà cầm quyền chịu trách nhiệm chính gây thiệt mạng hàng triệu sinh linh vô tội Việt Nam trong nạn đói 1945 là Pháp và Nhật chưa một lần lên tiếng thú nhận trách nhiệm đã gây ra thảm trạng nầy. Để bồi thường chiến tranh, ngày 13-5-1959, Nhật ký kết thỏa ước với Việt Nam Cộng Hòa trả 39 triệu Mỹ kim và giúp Việt Nam Cộng Hòa vay 7, 5 triệu Mỹ kim để tái thiết đất nước. Nhật Bản còn viện trợ Việt Nam Cộng Hòa xây dựng hệ thống thủy điện Đa Nhim, và ngày nay, theo tin các báo, Nhật Bản giúp chế độ cộng sản Hà Nội dựng cầu Cần Thơ qua sông Hậu (dự án thi hành năm 2001), nhưng trước sau Nhật Bản không đả động gì đến 2 triệu sinh linh uổng tử năm 1945. Còn đảng Cộng Sản Việt Nam thì bao giờ cũng lý giải nạn đói có lợi cho họ, dù chính họ là kẻ tòng phạm với Pháp và Nhật. Nay họ đang cần sự giúp đỡ của cả Pháp lẫn Nhật nên chẳng dám lên tiếng gì về việc nầy. Đó là chưa kể nếu CSVN sợ rằng nếu đòi hỏi người Pháp và người Nhật bồi thường, thì cơ quan an ninh của hai nước nầy sẽ đưa ra những tin tức cho thấy Việt Minh đã tòng phạm với họ để làm cho nạn đói thêm trầm trọng.
Nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng về vụ hai quả bom nguyên tử Hoa Kỳ thả trên đất Nhật. Cả thế giới đều cho đó là thảm họa kinh hoàng của loài người, nhưng cho đến nay, chưa có nước nào trên thế giới lên tiếng về thảm trạng khủng khiếp ở Việt Nam năm 1945. Pháp và Nhật, hai tác nhân ngoại quốc chính gây ra cái chết của khoảng từ 1,000,000 đến 2,000,000 người Việt vẫn chưa có một lời xin lỗi về nạn đói 1945 tại Bắc Việt để chứng tỏ con người còn một chút lương tâm nhân loại. Gần đây, khi viết lại lịch sử hiện đại, các nhà viết sử Nhật Bản đã bỏ qua phần quân đội Nhật trong thế chiến thứ nhì đã lạm dụng tình dục phụ nữ các nước Hàn Quốc và Trung Hoa khiến các nước nầy, và những phụ nữ nạn nhân còn sống sót, liên tục lên tiếng phản đối. Riêng về nạn đói năm 1945 tại Việt Nam mà Nhật Bản là tác nhân chính, không biết bộ sử nước nầy có đề cập đến không? Số nạn nhân trong nạn đói nầy có thể còn cao hơn số nạn nhân bị quân đội Nhật Bản lạm dụng tình dục trong thế chiến 2.
Kẻ tòng phạm còn ẩn mặt trong vụ án nầy cần phải được nêu đích danh. Kẻ tòng phạm nầy đã bất chấp sinh mạng của đồng bào, chỉ chú trọng đến quyền lợi đảng phái của họ mà thôi. Người nước ngoài làm hại dân Việt đã là một tội lỗi nhân loại. Người cùng trong nước, miệng hô hào yêu tổ quốc và đồng bào, mà vì quyền lợi đảng phái và vì theo đuổi chủ nghĩa cộng sản ngoại lai, quên đi tình nghĩa dân tộc, tàn bạo đẩy dân chúng Việt Nam vào cõi chết, đó là một tội lỗi dân tộc không thể dung thứ được.
Dầu đã quá chậm, nay đến lúc người Việt Nam hãy cùng nhau đòi hỏi công lý cho những người đã nằm xuống, cho những oan hồn uổng tử đã lìa trần trong nạn đói kinh hoàng nhất của lịch sử Việt Nam do chính con người đã hành hạ con người, và đặc biệt do một nhóm thiểu số người Việt giấu mặt đã giết hại dân Việt. Nhóm thiểu số giấu mặt đó chính là Việt Minh cộng sản.
TRẦN GIA PHỤNG
http://www.thienlybuutoa.org/Misc/NanDoiNamAtDau1945.htmhttp://tiengnoitudo.wordpress.com/2008/04/13/nan-doi-nam-%E1%BA%A5t-d%E1%BA%ADu-1945/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét