Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Hơn 15.000 tấm mộc bản triều Nguyễn đang bị thất lạc?


Đăng bởi bauxitevn on 19/05/2011 
Khắc Dũng
Năm 1960, hơn 50.000 tấm mộc bản triều Nguyễn được phân loại, sắp xếp và được vận chuyển bằng tàu hoả từ Huế vào “Hoàng triều cương thổ” Đà Lạt. Đến lúc này, theo các văn bản của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, kho lưu trữ của trung tâm đang lưu giữ 34.618 tấm với 55.318 mặt khắc. Như vậy, vẫn còn hơn 15.000 tấm mộc bản triều Nguyễn đang thất lạc đâu đó?
Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ ngược – chữ Hán và Nôm – dùng để in sách và tài liệu, được sử dụng khá phổ biến ở VN thời phong kiến. Dưới triều Nguyễn, mộc bản là loại tài liệu lưu trữ đặc biệt. Sau triều Nguyễn, vì chữ Hán – Nôm không còn được dùng rộng rãi nên tài liệu mộc bản cũng bị lãng quên, trong đó có khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn. Tuy nhiên, gần đây, vấn đề mộc bản triều Nguyễn đã lại được nhắc đến nhiều, nhất là sau sự kiện UNESCO công nhận đây là di sản thế giới dạng tư liệu thuộc danh mục chương trình ký ức (ngày 30.7.2009).
Bản in từ mộc bản triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Bản in từ mộc bản triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Ngày 13.5, tiếp cận với một nhân viên của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, chúng tôi được biết: Hiện trung tâm đang tích cực truy tìm các tấm mộc bản đang “lưu giữ” trong dân – những tấm mộc bản được cho là bị thất lạc bởi sự quản lý lỏng lẻo ở những năm sau 1975, trước khi trung tâm này được thành lập và có nhiệm vụ quản lý mộc bản. Đặc biệt, mới đây, một thông tin đáng vui là, khi biết chính xác là mình đang vô tình lưu giữ một tấm mộc bản triều Nguyễn (một trong hơn 15.000 tấm mộc bản triều Nguyễn bị thất lạc), ông Trần Văn Phong (82 đường Đống Đa, phường 3, Đà Lạt) đã tự nguyện hiến tặng nó cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Nhận lại tấm mộc bản do ông Phong hiến tặng, đội ngũ cán bộ khoa học của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và kết quả thật bất ngờ: Theo thạc sĩ Phạm Thị Huệ – GĐ Trung tâm – thì đây là tấm mộc bản thuộc bộ sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỳ” quyển 66, mặt khắc số 21 và 22 – là một trang trong bộ sách được xem là báu vật quốc gia mà hiện còn nhiều trang bị thất lạc.
Ngược về lịch sử, trước năm 1960, mộc bản triều Nguyễn được bảo quản tại Huế. Theo nghiên cứu của cử nhân Lê Khắc Niên (nguyên cán bộ của Trung tâm Lưu trữ IV). Ngày 2.6.1960, dưới chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam, một phái đoàn 3 người đã được cử đi Huế nhằm “Xem xét tại chỗ và nghiên cứu thể thức di chuyển lên Đà Lạt các cổ thư cùng tài liệu lịch sử đang tàng trữ tại Huế”.
Sau đó, hơn 50.000 tấm mộc bản triều Nguyễn đã được chuyển từ Huế vào Đà Lạt. Sau 1975, khối tài liệu mộc bản này bị dời đi dời lại nhiều nơi ở Đà Lạt. Trong đó, đáng chú ý là, do được chứa trong một tầng hầm ẩm ướt nên khối tài liệu trên được dời đến một nhà kho của một gara nằm trên đường Hùng Vương (phường 10, Đà Lạt ngày nay). Tại đây, do không nhận thức đầy đủ về giá trị của khối tài liệu mộc bản nên những người quản lý nó đã để thất lạc nhiều tấm (mà tấm mộc bản do ông Trần Văn Phong vừa hiến tặng là một ví dụ). Đến khi Trung tâm Lưu trữ IV có nhiệm vụ quản lý khối tài sản vô giá này, thì nó chỉ còn hơn 34.600 tấm thay vì hơn 50.000 tấm kể từ lúc mới chuyển từ Huế vào Đà Lạt năm 1960.
Rõ ràng, việc thất lạc nhiều tấm mộc bản triều Nguyễn là một sự thật; và bây giờ, việc tìm lại những tấm đã thất lạc là việc hết sức cần thiết. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có một thông báo rộng rãi về việc tiến hành “sưu tập” lại những tấm mộc bản đang thất lạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét