Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Cám cảnh với những “hội cái bang” nơi cửa Phật

(Dân trí) - Cách trung tâm TP Huế khoảng 10km, tượng đài Quan Thế Âm trên núi Tứ Tượng (thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) không chỉ là một điểm đến tâm linh mà còn là nơi "nổi tiếng" về nạn ăn xin đeo bám du khách.
PV Dân trí có mặt tại tượng đài Quan Thế Âm vào đúng ngày nơi đây đang tưng bừng mừng lễ Phật Đản, du khách, phật tử trong và ngoài tỉnh đổ về khá đông. Đây quả là dịp "làm ăn" hiếm có của giới ăn xin. Dọc con dốc dài chừng 500m dẫn lên tượng đài có đến hàng trăm người ăn xinvới đủ các kiểu hành khất khác nhau. Người thì bệnh hoạn ốm đau, người mù, người què quặt, người mang theo con nhỏ, con bệnh tật, người già, trẻ mồ côi… người đứng, người ngồi, người nằm la liệt con dốc.
Kẻ đứng, người ngồi, người già người trẻ đều nhập hội "cái bang" tại đây
Mới đi đến của Phật, tưởng được tận hưởng một không gia an lành, vậy mà du khách ngao ngán khi phải chứng kiến những hình ảnh ảm đạm thê lương và chịu trận những màn chèo kéo xin tiền đến phiền phức. Thắp nén nhang cầu khấn từ chân núi đi lên Tượng đài mà lòng du khách không thể tĩnh tâm khi hòa trong những lời nguyện là những lời kêu ca, oán than, nài nỉ của những người hành khất. Cứ đi vài bước lại có người ăn xin níu áo, kéo quần, trình bày hoàn cảnh.
Chị Trương Thị Ý ngụ đường Hùng Vương - thành phố Huế lên tượng đài Quan Thế Âm ngày lễ thấy quá nhiều người ăn xin đeo bám, bức xúc: “Đây là nơi tôn nghiêm cho mỗi người đến đây nguyện cầu trong ngày lễ, ai đến đây cũng với ước nguyện lòng thành. Nhưng có quá nhiều người ăn xin kéo áo, níu quần người đi lễ đã làm mất đi sự tôn nghiêm nơi của Phật. Có đến hàng trăm người ăn xin nằm, ngồi la liệt ở đây. Cảnh ăn xin níu du khách giống như một khu chợ buôn bán vậy”.
Còn Bác Nguyễn Văn Thành, quê Ninh Bình vào Huế du lịch đi lễ ở đây chia sẻ: “Tôi đi rất nhiều nơi và nhiều chùa dâng lễ nhưng chưa thấy nơi nào có quá nhiều người ăn xin, hành khất như ở đây. Có những hoàn cảnh vô cùng đáng thương thật, nhưng cũng có nhiều người đủ sức khỏe, đủ  khả năng làm việc, kiếm tiền nhưng cố làm ra vẻ thảm hại, ỷ lại vào sự bố thí của người khác. Đặc biệt có kẻ đóng giả ăn xin ăn mày lợi dụng nơi của Phật để trục lợi. Tôi đề nghị không chỉ những người làm quản lý ở tượng đài này mà cả nhưng người làm quản lý du lịch ở Huế có những biện pháp tốt nhất để trả lại vẻ đẹp cho vùng đất du lịch cố đô”.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại được tại tượng đài Quan Thế Âm ngày lễ Phật Đản.

Đường đi từ chân núi lên tượng đài Quan Thế Âm dài chừng 500m có đến gần 100 người ăn xin.

Mẹ cho con nằm ngay giữa đường đi lên tượng đài "dọa" người đi lễ


Một hoàn cảnh đáng thương thực sự?


... và đây? Có tàn tật đến mức không thể tự kiếm sống, phải ăn nhờ ở đậu vào lòng thương hại của người khác?


Cả một gia đình đi ăn xin


Ba người đàn ông này: Người mù, người què, người điếc lập thành một hội ngồi bên đường xin


Đếm lại những đồng tiền vừa xin được






Đủ các kiểu ăn xin làm phiền lòng du khách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét